Bài mới nhất



Theo như kế hoạch của nhà trường, học viên đại đội 14 chúng tôi đã được đi thực tập trong thời gian 2 tháng. Dù thời gian thực tập ngắn, nhưng thật sự mà nói kì thực tập này đã đem lại cho tôi rất nhiều điều từ thực tế , khả năng tư duy được nâng tầm đến cách làm việc tuân theo giờ giấc, kỉ luật và kinh nghiệm làm việc trên tàu. Điều này rất quan trọng đối với học viên chúng tôi trong việc xác định hướng đi phù hợp trong nghề nghiệp của mình, để chuẩn bị hành trang cho những năm học tiếp theo.


Tôi rất may mắn khi kì thực tập đầu tiên được diễn ra trên chiếc thuyền buồm mang tên “Hi vọng” của trường Đại học hàng hải liên bang Nga mang tên đô đốc Nhevelskoy (MSUN). Sau hơn 23 năm hoạt động (05/07/1992 – 2015), thuyền buồm “Hi vọng” đã thực hiện được một chuyến vòng quanh thế giới (2004), tham gia nhiều festival và giành nhiều kết quả cao trong các cuộc thi thuyền buồm trên thế giới.


Ngay từ lần đầu bước lên thuyền, tôi đã cảm nhận được một không khí làm việc rất được coi trọng, có thể tóm gọn trong 3 từ: nghiêm túc, linh hoạt và kỉ luật. Tuy kì thực tập tại thuyền buồm trong một thời gian ngắn nhưng tôi nhận thấy hầu hết thủy thủ trên thuyền đều có thái độ tinh thần làm việc rất say sưa và năng động. Ai cũng thi đua làm việc hết khả năng của mình, mặc dù nhiều lúc công việc có căng thẳng song dù vậy mọi người vẫn tạo ra một không khí vui vẻ.

Khi đến thực tập tại đây tôi được làm quen với môi trường làm việc tập thể và các áp lực công việc thực tế. Đặc biệt là áp dụng các kiến thức lý thuyết đã học vào thực tế, qua đó mình có cơ hội tốt để củng cố, kiểm tra lại vốn kiến thức của mình.

Trong chuyến thực tập này, thuyền chúng tôi đi theo lộ trình “dọc bờ biển vùng Viễn đông” và ghé thăm thành phố Plastun (Пластун), đó là một thành phố yên bình ven bờ biển, người dân sống chủ yêu bằng nghề chế biến gỗ và họ rất thân thiện và mến khách, đặc biệt là với các thủy thủ. Tại đây chúng tôi có một chuyến tham quan nhỏ quanh thành phố. Và trong lúc đi dạo phố, tôi đã được một người dân gọi lại nói chuyện thân mật và được tặng dâu tây trong vườn nhà họ.

Tham quan nhà máy chế biến gỗ

Điều tôi thích thú nhất khi thực tập tại đây là công việc buồm. Do đặc thù riêng của thuyền là không chỉ chạy bằng máy mà còn cả bằng buồm, nên tất cả các học viên tham gia thực tập đều cần phải biết và thành thạo công việc này. Vậy đó là gì và chúng tôi cần làm gì? Đó là thả và căng buồm, là điều khiển góc buồm và là cuộn buồm lại khi không dùng đến. Và để làm được những điều đó, việc đầu tiên là chúng tôi cần vượt qua nỗi sợ độ cao. Tôi nhớ lần đầu tiên leo lên cột buồm, mỗi bước chân đều rất nặng trĩu, hai tay run run bám chặt dây thừng, mắt luôn hướng lên trên, không dám nhìn xuống dưới. Nhưng với sự hướng dẫn và động viên của thủy thủ, tôi đã vượt qua được nỗi sợ và leo lên được các trục thuyền, nơi chúng tôi làm việc với buồm. Từ sau đó, mỗi lần nghe chuông báo tập trung lên boong làm công việc buồm, trong tôi không còn nỗi sợ mà thay vào đó là sự phấn khích, hào hứng.

Các học viên đang leo lên cột buồm theo thừng chằng cột buồm.

Các học viên đang cuộn buồm lại.

Tác giả: Đoàn Hữu Hùng.





Những bông hoa tuyết ngày càng rơi nhiều báo hiệu một mùa đông lạnh giá nữa lại đến, vậy là cũng 2 năm rồi tôi không được về thăm gia đình và quê hương. Có thể đối với nhiều người 2 năm không phải là khoảng thời gian dài, nhưng đối với một du học sinh thì 2 năm đó là một khoảng thời gian khá là lâu, nó giống như một cuộc phiêu lưu nhỏ với những bài học, những kinh nghiệm vô cùng ý nghĩa, sâu sắc và thiết thực trong cuộc sống.


Hai năm tại mảnh đất lạnh giá tên Vladivostok  với những nhóm lửa chập chờn của tình yêu thương, có quá nhiều điều ta phải cần trưởng thành hơn từ suy nghĩ cho tới hành động. Tại sao ư? Bởi ta không còn được bao bọc bởi tình yêu thương của cha mẹ nữa, sự vui đùa những đứa bạn thân khi ta còn ở nhà. Ta phải tự làm tất cả từ cách nấu ăn cho đến việc giặt giũ hay chăm sóc bản thân, tự phải học tập và tự kiềm chế bản thân.
Sống tại một vùng đất đó, nếu không nhờ những nhóm lửa chập chờn kia có lẽ ta không thể tồn tại được. Nhóm lửa đó là những người anh, những người chị, những người bạn cùng lứa tuổi, những người giống như tôi.


Họ động viên, giúp đỡ tôi trong việc học cũng như trong đời sống. Họ tạo ra những bữa tiệc tinh thần để nguôi ngoai nỗi nhớ nhà và sưởi ấm trái tim tôi.
Sống và làm việc dưới mái trường Hàng hải MSUN, tôi - một học viên đã  gặp không ít khó khăn. Từ việc hoà nhập vào cuộc sống đến cách kết bạn với những người bạn Nga hay trong việc học tập và tuân thủ quy định nội quy. Có thể bạn sẽ không tin, tại nơi chúng tôi ở bạn sẽ phải ngạc nhiên bởi nó rất gọn gàng và sạch sẽ đến độ bạn sẽ không thể tìm ra được một hạt bụi nào trong phòng.


Bởi vì bọn tôi sẽ phải dọn vệ sinh nếu như phòng bừa bãi và không gọn gàng, mỗi ngày sẽ có người kiểm tra phòng và chúng tôi không thể trèo lên giường trước 10 giờ tối .Những người bạn Nga, tôi có thể nói gì về họ? Họ khá thân thiện với chúng tôi và giúp đỡ chúng tôi trong mọi việc, tuy nhiên nhiều lúc tôi cảm thấy khá buồn cười hoặc có chút tức giận bởi những hành động có chút dại khờ, ngây ngô,  điên dại và có chút tinh nghịch của những đứa trẻ. Nhưng mọi việc,  mọi cảm xúc tức giận sẽ được xua tan sau cái bắt tay giữa những người bạn -một hành động khá là thú vị và được tôi đánh giá cao.


Tác giả: Lê Tuấn Sơn.





Chủ nhật ngày 15 tháng 11 năm 2015 vừa qua, nhóm “Bánh mì yêu thương” tại Trường đại học hàng hải MSUN đã mở đợt bán bánh mì đầu tiên cho các sinh viên Việt Nam đang học tập tại trường, nhằm  ủng hộ cho “Quỹ cơm có thịt” (Quỹ trò nghèo vùng cao). Mặc dù là lần đầu tổ chức nhưng chương trình  đã được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của các học viên trong đơn vị .
Cơm có thịt là một tổ chức từ thiện được thành lập với mục đích đem lại những bữa ăn giàu dinh dưỡng hơn cho các trẻ em nhỏ vùng cao Việt Năm, qua đó cải thiện đời sống và thắp sáng được hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho các em. Hưởng ứng theo các đơn vị sinh viên ở các thành phố khác, nhóm “Bánh mì yêu thương” đã đề ra ý tưởng bán bánh mì phục vụ nhu cầu cho các học viên trong trường và dùng phần tiền lời trong lần bán đó ủng hộ cho “Quỹ Cơm có thịt”.
Công đoạn chuẩn bị của nhóm bắt đầu từ lúc sáng sớm, các nguyên vật liệu được nhóm kì công chọn lựa và chuẩn bị kĩ càng. Để hoàn thành được một ổ bánh mì ngon bao gồm rất nhiều công đoạn, từ chuẩn bị rau củ quả, cho đến chuẩn bị nhân bánh, làm nước sốt, giao hàng, thống kê,….. .Tất cả thành viên trong nhóm luôn cố gắng hết sức để tạo ra những ổ bánh mì vừa thơm ngon, vừa đảm bảo vệ sinh và đặc biệt đậm chất Việt Nam trước khi đến tới từng tay khách hàng. Mệt nhưng trong lòng lại rất vui - đó là suy nghĩ của tất cả thành viên trong nhóm. Không vui sao được khi tất cả công sức của mọi người bỏ ra đều được đền đáp 1 cách xứng đáng.
Sau khi tổng kết lại, trong lần đầu tiên nhóm đã bán ra 40 ổ bánh mì thành phẩm, mặc dù số tiền lời trong lần đầu không lớn, nhưng từ những số tiền nhỏ, với nhiều đợt mở bán bánh mì như vậy, với những hành động nhỏ, dần dần Quỹ sẽ có được những con số lớn hơn, đủ để phục vụ cho các hoạt động ý nghĩa.
Nhóm “Bánh mì yêu thương”  sẽ cố gắng thực hiện những đợt bán bánh mì tiếp theo với sản phẩm chất lượng và đa dạng hơn. Không chỉ có bánh mì, trong tương lai nhóm dự định sẽ tổ chức những buổi đấu giá các vật dụng, tranh ảnh, những đợt quyên góp khác nhằm nâng số tiền ủng hộ lên nữa. Và nhóm cũng hy vọng hoạt động này sẽ mở rộng đến các trường đại học khác trong thành phố, tất cả nhằm chung tay giúp đỡ cho đồng bào, cho quê hương đất nước.


Người viết: Nguyễn Hải Khánh.

      Sáng ngày 14/11/2015, Trường đại học hàng hải quốc gia LB Nga Nhevelskoi đã tổ chức trọng thể lễ duyệt binh – diễu hành với quy mô lớn nhân kỉ niệm 125 năm ngày thành lập trường. Đến tham dự lễ gồm có lãnh đạo Ban giám hiệu nhà trường, các giáo sư, giảng viên và nhiều vị khách mời.


      Đúng 9 giờ sáng, tất cả các học viên của trường đã nghiêm trang tập trung thành các khối, sẵn sàng cho lễ diễu hành.  Ông Sergei Ogai – Hiệu trưởng nhà trường chào và chúc mừng các học viên nhân dịp đại lễ. Trong không khí phấn khởi và tự hào, toàn trường cùng hô vang “Hura – hura – hura...”



     Nhân buổi lễ trọng đại này, Hiệu trưởng đã trao phần thưởng và giấy khen cho các học viên có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện.



      Sau phần duyệt đội hình trong sân, các khối diễu binh bắt đầu xuất phát hướng vào trung tâm thành phố. Đoàn diễu hành trong tiếng quân nhạc hào hùng đi qua quảng trường trung tâm và dừng chân, đặt hoa tại Đài tưởng niệm các thủy thủ hy sinh trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, và tại Tượng đài Đô đốc Nhevelskoi.


  Sau phần diễu hành quanh thành phố, toàn thể học viên tập trung trở lại sân trường tham dự lễ khánh thành nhà thờ Nikolai Chydotvorxa do Tổng Giám mục Giáo hội Thiên chúa giáo thành phố Vladivostok chủ trì.
 Lễ duyệt binh – diễu hành ngày hôm nay đã khép lại chuỗi các hoạt động kỉ niệm 125 năm ngày thành lập trường, nhưng cũng mở ra một trang sử mới cho sự nghiệp giáo dục đầy vẻ vang của ngôi trường mang tên Đô đốc Nhevelskoi.

Nguồn: msun.ru
Người dịch: Nguyễn Vũ Hiệp


Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.