Bài viết thuộc chuyên mục "Góc sẻ chia"

Hiển thị các bài đăng có nhãn Góc sẻ chia. Hiển thị tất cả bài đăng

Thông thường, sau khi hoàn thành chương trình học năm nhất, các bạn học viên sẽ trải qua một chuyến thực tập dài khoảng 2 tháng trên các con tàu của trường. Các bạn có thể tham khảo kinh nghiệm của một số học viên khóa trên để có sự chuẩn bị tốt cho chuyến đi dài ngày phía trước.
(Hình ảnh được chụp trên tàu Hy vọng chỉ mang tính chất minh họa cho bài viết)

Đầu tiên là chuẩn bị quần áo, giày dép: 2 bộ đồ lao động (1 bộ để làm việc và 1 bộ để đi học, đi tập trung, thường sẽ có thông báo mang theo đồ gì); dép coi sau (không được mang dép lê); giày bata để lao động; mũ lưỡi trai (các bạn sẽ thường xuyên làm việc dưới trời nắng); găng tay; đồ thể thao (để tập thể dục buổi sáng); đồ cá nhân: điện thoại, máy tính bản, máy tính, đồ sạc, kem bót đánh răng, khăn mặt, vớ, quần áo lót…
Một số vật dụng cần thiết khác: bột giặt, móc quần áo, dây phơi, ổ điện, ổ nối, bình đựng nước uống, cốc nước, máy cắt tóc (tốt nhất mấy anh em chung nhau mua 1 cái mang lên tàu rồi cắt cho nhau)…  Bạn nào có mang kính cận thì có thể buộc thêm sợi dây vào gọng để nếu làm việc trên cao thì không bị rơi mất.
Trong thời gian đầu lên tàu, một số bạn có thể bị say sóng, tốt nhất là mang theo thuốc chống say sóng, phòng trường hợp bão bùng có cái mà dùng. Chắc không có bạn nào hút thuốc, mà nếu có thì phải đem cho đủ dùng, mang nhiều để các bạn tây xin còn có cái mà cho.
            Nếu lịch trình tàu ra nước ngoài thì có thể mang theo usd để lúc lên bờ đi ăn uống, mua sắm, còn nếu đi trong nước Nga thì thường là lên đảo Sakhalin hoặc Kamtratka, mang rub theo phòng thân. Các bạn lưu ý, tiền bạc và các thiết bị điện tử phải cất giữ hết sức cẩn thận để tránh bị mất (đã có trường hợp xảy ra). Cố gắng đừng mang nhiều đồ, quần jean, áo sơ mi chắc chắn sẽ không được xài, chỉ mang những thứ thiết yếu nhất thôi.
Thời gian biểu thực tập trên tàu thường như sau: tất cả thực tập sinh sẽ được chia thành 3 nhóm. Trong một ngày, nhóm 1 sẽ đi học, nhóm 2 sẽ đi làm, nhóm 3 sẽ đi trực, sang ngày tiếp theo thì các nhóm đổi cho nhau. Các bạn đi trực cũng sẽ được xếp trực ở những vị trí khác nhau: buồng lái (buồng máy), nhà bếp, nhà ăn, phòng ăn của sỹ quan, nhà vệ sinh, gác cầu thang... Nói chung làm việc, học tập, trực nhật nguyên ngày, sáng tối điểm danh như ở kí túc xá.
Các bạn thực tập sinh cần mang theo vở và dụng cụ học tập để đi học. Thông thường các bạn sẽ được học khoảng 3 môn nên cần mang theo vài cuốn vở. Thầy giáo hướng dẫn thực tập có thể tính vở chép trên lớp là báo cáo thực tập nên các bạn không phải viết báo cáo mà chỉ cần trả bài đầy đủ cho thầy là xong (một số thầy không chấp nhận, yêu cầu phải viết báo cáo riêng, cái này xui thì phải chịu). Bật mí một số kinh nghiệm trả bài: Trả bài càng sớm càng tốt, thường xuyên bám theo các bạn tây trả bài sớm để nắm được nội dung những câu hỏi khó, tham khảo các bạn của nhóm đã trả bài trước để còn chuẩn bị câu trả lời. Quan trọng là phải hiểu, có sự chuẩn bị và tự tin thì mọi thứ sẽ ngon lành. Chương trình học trong chuyến thực tập năm nhất thì tương đối đơn giản (đang nói khoa lái), chủ yếu học cờ hiệu, các trang thiết bị cứu sinh, hệ thống lái, neo, cẩu, dây buộc… Các bạn có thể chuẩn bị sẵn bộ tài liệu dành cho Матрос của Шарлай (hỏi các anh khóa trên để xin hoặc tìm trên site của đơn vị), chương trình thực tập thì liên hệ với phòng thực tập của trường ở UK1 để xin, đọc và dịch ra để hiểu cần học gì và làm gì. Phần điền các giấy tờ thực tập, nếu cả đại đội cùng đi tàu của trường thì không cần lo lắng. Mọi người sẽ được hướng dẫn cụ thể.
Lúc mới lên tàu, nếu đi tàu Hy Vọng thì nhanh chóng chiếm mấy giường gần cửa sổ, vừa rộng lại sáng sủa. Tốt nhất là nên chọn bạn cùng phòng trước, để lên tàu xếp phòng cho nhanh. Các bạn sinh viên Việt Nam nếu có đi thực tập chung thì cố gắng giúp đỡ lẫn nhau trong công việc, học tập và trực nhật, giữ hình ảnh tốt đẹp để các em khóa sau thực tập được thuận lợi.
Thêm một lưu ý nho nhỏ nữa, nếu tàu đi dài ngày thì nên mang theo đồ ăn (mỳ tôm, lương khô, dăm bông, kẹo bánh) để lúc đói khổ, thèm thuồng thì có cái mà nhai cho đỡ đói. Nói chung 2 tháng hè năm nhất vất vả lắm mà đáng nhớ lắm (dành cho những tàu đi xa bờ dài ngày). Vui, nhớ nhà, nhớ đất liền, nhớ đồ ăn việt nam. Nhớ người yêu thì cố mà chịu. Tàu đi ra vùng khác thì cước phid gọi về Việt Nam đắt lắm. Ai không tin cứ thử thì biết.
Hết 2 tháng thực tập tàu trường, coi như các bạn đã hoàn thành xong nghĩa vụ nhập môn, nói chung là đã nếm trải được nhiều. Con đường phía trước sẽ đỡ khó khăn hơn. Chúc các bạn có một chuyến thực tập an toàn, bổ ích và đáng nhớ.
P/S: các bạn khoa lái nếu có thắc mắc gì, không biết hỏi ai thì hãy liên hệ với các anh khoa lái năm lớn, tin chắc là sẽ được giải đáp tận tình.
Tác giả: Huỳnh Kim Khánh

(Cựu học viên đại đội 12 khoa Lái)

6.9.17 ,
Mùa hè này, tôi và những người bạn đến từ trường MSUN (Vladivostok) đã đi thăm quan nước Nga xinh đẹp. Hành trình chúng tôi đã đi qua là Vladiostok – Moscow - Saint Petersburg - Các thành phố vành đai Vàng - Kazan - Novosibirsk.
Ngày 1 (08/08/2017) :Chúng tôi đáp xuống sân bay Vnukovo sau hơn 8 tiếng ngồi trên máy bay. Trên máy bay chúng tôi được cho ăn 2 lượt, tiện nghi đầy đủ. Một điều thú vị nho nhỏ là chúng tôi xuất phát từ Vladivostok lúc 12h45 chiều,đến Moscow lúc 1h45 chiều. Ae cứ đùa với nhau là mình bay hết có 1 tiếng. Chờ sẵn chúng tôi ở sân bay là chị Linh, hướng dẫn viên của đoàn. May mắn là đợt này chúng tôi có chị hướng dẫn viên xinh, vui vẻ và nhiệt tình. Chị dẫn mọi người đi nhận phòng, mua sắm vật dụng cần thiết để chuẩn bị cho những ngày sắp tới ở đây. Lúc đi trên xe tôi vẫn chưa ngắm được nhiều cảnh đẹp cho lắm nhưng nhìn chung tôi thấy Moscow đẹp, hiện đại và cuốn hút.Vì mọi ngời đều thấm mệt sau chuyến đi nên chúng tôi quyết định không đi dạo lâu mà về phòng sớm, ăn uống, nghỉ ngơi, chuẩn bị cho chuyến đi ngày mai. Mọi việc ngày đầu tiên với tôi như thế là thuận lợi rồi. Phòng sạch sẽ,có mạng Internet,tối nay anh em có thể kịp xem trận bóng đá yêu thích rồi .

5 chàng lính chì lần đầu đi thăm thủ đô Moskva 
5 оловянных солдатиков первый раз посетили столицу России 

Khuôn viên điện Kremlin dưới con mắt những chàng thủy thủ tương lai.
Но и Московский Кремль глазами будущих моряков.

Ngày 2 (09/08/2017) : Hôm nay thực sự là một ngày bận rộn khi mà chúng tôi đã ghé thăm khá nhiều địa điểm tại trung tâm Moscow: Quảng trường Đỏ, điện Kremlin, lăng Lenin, chuỗi các nhà thờ tại đây, nhà hát lớn, trung tâm mua sắm GUM...và kết thúc bằng một bữa ăn tối ấm cúng tại nhà hàng Sài Gòn. Tọa lạc tại trung tâm Moscow là rất nhiều những công trình kiến trúc tráng lệ và uy nghi. Các tòa nhà hàng trăm năm tuổi mà trước đây tôi chỉ được nhìn qua sách vở và phim ảnh nay hiện ra sừng sững trước mắt. Mỗi một viên gạch,mỗi một song cửa đều mang đến cho tôi những sự phấn khích lạ kì. Nét cổ kính,trầm uy pha lẫn lối kiến trúc hiện đại đã làm nên một nét hấp dẫn và đặc biệt cho nơi đây.Hệ thống tàu điện ngầm Metro thì đúng như mọi người thường nói: nhanh, đẹp, hiện đại và tiện nghi. Ở ngay trung tâm Moscow nhưng vẫn có nhiều cây, nhiều hoa, nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều cửa hàng, nhiều cô gái xinh và nhiều khách du lịch Trung Quốc.

Ai cũng có tuổi trẻ và những câu chuyện về tuổi trẻ, và trong mỗi câu chuyện ấy đều có những hồi ức đẹp của riêng mình.
Дорога у каждого своя, но осталось у нас общее хороше воспоминание.

Ngày 3 (10/08/2017) : Sau một đêm ngon giấc,chúng tôi lại bắt đầu hành trình khám phá thủ đô Moscow xinh đẹp.Điểm đến của chúng tôi lần này là phố cổ Arbat,nơi mà rất nhiều nhân vật nổi tiếng đã từng sinh sống như Gagarin, Dolgoruky, Tolstoy, Rostopchin,Gogol, Tolstoy, Chekhov và đặc biệt là nhà thơ vĩ đại Puskin. Chúng tôi đã ghé thăm bảo tàng Puskin,nơi lưu trữ những kỉ vật và những thông tin về ông...Hôm nay lại là một ngày nắng đẹp.Được thời tiết ủng hộ,chúng tôi lại dạo chơi thăm quan nhiều khu phố và nhiều công trình ở đây.Một trong số đó là nhà thờ "Chúa cứu thế", là nhà thờ Chính Thống giáo cao nhất và lớn nhất trên thế giới. Một trong những công trình vĩ đại nhất mà tôi từng được ghé thăm. Không có đủ ngôn từ để lột tả sự hoành tráng và nguy nga tráng lệ của nó. Thật tiếc là theo quy định chúng tôi không thể chụp hình trong nhà thờ.


Ngày 4 (11-08-2017): Điểm đến hôm nay của đoàn là trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov (mà tên viết tắt cũng là MGU giống trường chúng tôi), đồi Chim Sẻ, quảng trường Chiến thắng, bảo tàng Chiến thắng, Khải hoàn môn Narva, công viên VDNKha và Tháp truyền hình Ostankino: Biểu tượng của Moskva và truyền hình Nga. Moscow quá đẹp, chỉ là bạn có đủ sức để đi không thôi 

Ngày 5 (12-08-2017): Chiều trên sông Moscow. Mọi người cùng nhau ngắm thành phố ở một góc nhìn khác, thơ mộng hơn, lãng mạn hơn và cũng là để nghỉ ngơi dành sức cho chuyến đi xuống thành phố Saint Petersburg vào tối nay :D.

Tạm xa Moskva. Chào Saint Peterburg.
До встречи, Москва. Едем в Петер.
  
Ngày 6 (13-8-2017) : Sankt-Peterburg đón chúng tôi bằng một cơn mưa nhẹ buổi sáng. Nhưng thời tiết lại đẹp ngay sau bữa sáng, trái với một số tin dự báo thời tiết chúng tôi xem trước đó. Quá phấn khởi, mọi người đã không nghỉ ngơi sau một chuyến đi dài mà bắt "chân" ngay vào hành trình khám phá cố đô Sankt-Peterburg - thành phố lớn thứ 2 của Nga. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Cung điện Mùa đông,sau đó là Nhà thờ Chính tòa Thánh Issac 

Tp.Saint Peterburg và những người bạn.
Г. Санкт-Петербург и друзья мои. 
  
Ngày 7 (14-08-2017) : Chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình khám phá thành phố Sankt-Peterburg với các điểm đến Nhà thờ Chúa Cứu thế trên Máu đổ,Vườn mùa Hè, Đảo Thỏ và Nhà thờ pháo đài Peter & Paul...Thời tiết có thể nói là tuyệt đẹp, tiết trời nắng nhẹ và se se lạnh. Chúng tôi cũng đã có một chuyến đi thuyền vòng quanh khu trung tâm thành phố. Sankt-Peterburg không nhộn nhịp như ở Moscow mà nó giữ riêng cho mình một nét êm đềm,cổ kính rất riêng. Ở đây khá nhiều công viên và vườn cây,nói chung là không gian xanh rất nhiều. Cuộc sống thanh bình và khá là yên tĩnh <3 span="">



Ngày 8 (15-08-2017) : Cung điện Mùa hè: Đẹp và thanh bình. Giữa thế kỷ 18, sau khi đánh thắng Thụy Điển, Pyotr Đại đế đã ăn mừng và hạ lệnh xây dựng cung điện mùa hè. Đây là cung điện được mô phỏng theo cung điện Versace của nước Pháp. Là Cung điện mùa hè, công trình được thiết kế sao cho có thể mang thật nhiều ánh nắng vào trong. Vì phỏng theo cung điện Versace của Pháp nên người ta còn gọi cung điện này là cung điện Versace nước Nga.


Tham quan cung điện mùa hè Peterhof.
Большой Петергофский дворец.

Ngày 9 (16-08-2017): Trong ngày cuối cùng tại Sankt-Peterburg,chúng tôi dành hầu hết thời gian để khám phá cung điện Mùa thu Ekaterina tọa lạc tại thành phố Puskin. Cung điện Ekaterina là tòa lâu đài cổ kính, biểu tượng cho sự xa hoa của chế độ Nga Hoàng thuộc thành phố Puskin (Sankt-Peterburg), cách Sankt-Peterburg 29km về phía Nam.

Thành phố Pushkin và cung điện mùa thu.
Город Пушкин, Екатерининский дворец и мы.

Ngày 10 (17-08-2017): Một bữa tiệc chia tay nho nhỏ tại tp. SaintPeterburg đã được tổ chức trong không khí gia đình đầm ấm cùng hai cô chú đi cùng và anh hướng dẫn viên. Chiều tối chúng tôi lên tàu về lại Moskva


Ngày 11 (18-08-2017) : Sau khi chia tay hai người đồng hành siêu đáng yêu tại thành phố Sankt-Peterburg,chúng tôi quay về thành phố Moscow để tiếp tục chuyến hành trình khám phá nước Nga xinh đẹp.Điểm đến lần này của chúng tôi là Bảo tàng quốc gia Tretyakov.Đây là phòng tranh nghệ thuật lớn với bộ sưu tập độc đáo mỹ thuật Nga.

Tham quan bảo tàng nghệ thuật Tretyakov một ngày nắng đẹp.
Посетили Третьяковскую галерею и осмотрели экспозиции 

Ngày 11 (18-08-2017): Sau bữa cơm trưa "đạm bạc",chúng tôi lại lên đường đến với "Bảo tàng vũ trụ" .Đây là một trong những bảo tàng khoa học – kỹ thuật lớn nhất trên thế giới. Lịch sử bảo tàng bắt đầu từ nửa sau thế kỷ XX, khi năm 1964 trên bản đồ Moscow xuất hiện tượng đài “Chinh phục vũ trụ”.

Ngày 12 (19-08-2017) : Chúng tôi đến với Vladimir – Nguồn Cội Của Đất Nước Nga. Đây là một trong những thành phố cổ đẹp nhất của nước Nga, nơi bảo tồn vẹn nguyên quy hoạch thuở ban đầu. Đến đây, bạn sẽ có cảm tưởng y như đang đi tham quan một viện bảo tàng khổng lồ. Những nhắc nhớ đầu tiên đến thành phố này là vào đầu thế kỷ 11, còn thời thăng hoa của Suzdal diễn ra dưới triều đại Quận vương Yuri Dolgoruki. Chính ông là người tạo lập thủ đô hiện tại của nước Nga là Matxcơva, nhưng ít ai biết rằng thoạt kỳ thủy Matxcơva được xây dựng chỉ như là một pháo đài với chức năng phòng vệ cho đất đai của Vương hầu Rostov-Suzdal.

Thành phố đầu tiên trong các thành phố vàng, Vladimir.
Первый из городов Золотого Кольца, Владимир. 

Làng Bogolyubovo. Điểm đến thứ 2 trong chuỗi các thành phố Vành đai vàng, Nga.
С. Боголюбово.


Suzdal, thành phố thứ 3 trong chuỗi các thành phố Vành đai Vàng.
Г. Суздаль третий город Золотого Кольца России.

Ngày 13 (20-08-2017): Chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá Vành đai Vàng của nước Nga với điểm đến tiếp theo là Suzdal. Thành phố tuyệt vời này nằm cách Moskva hai trăm cây số về phía Đông Bắc. Tất cả mọi thứ ở đây đều khiến cho du khách kinh ngạc và thán phục: những ngôi đền và tu viện hùng vĩ, cảnh quan xinh đẹp xung quanh, ngôi nhà gỗ cổ vẫn còn lưu giữ được ở trung tâm thành phố. Việc xây dựng các tòa nhà cao tầng bị cấm nên kiến ​​trúc Suzdal hài hòa một cách lạ lùng. Chính vì vậy mà Suzdal là thành phố yêu thích của các nhà làm phim lịch sử: Hoàn toàn không cần dàn dựng gì nữa, tất cả mọi thứ "cần thiết" đều đã có sẵn rồi.



Yaroslav, thành phố Vàng thứ 4 thanh bình bên bờ sông Vonga.
Ярославль, город набережная которого рядом с р.Волга находится.

Ngày 14 (21-08-2017): Điểm đến của chúng tôi là Yaroslavl
-Yaroslavl nổi tiếng về những kiến trúc lịch sử rất độc đáo. Thành phố còn giữ lại nhiều tòa nhà của thế kỷ 16-19, những công trình mới không nhiều ở đây cũng được xây dựng với phong cách kiến ​​trúc truyền thống. Khu vực trung tâm lịch sử của thành phố là đối tượng thuộc Danh sách di sản thế giới UNESCO.

Phải công nhận ở Nga có khá nhiều nhà thờ, mà chúng tôi không thể nào tham quan hết được.

Ngày 15(22-08-2017): Điểm đến của chúng tôi là Kostroma.
-Kostroma,nơi khởi nghiệp triều Romanov.Thành phố trải ra bên bờ của hai con sông chính của châu Âu và Nga là Volga và dòng sông Kostroma. Chính tại đô thị cổ xưa này, trong tu viện Ipatiev hồi đầu thế kỷ 17 đã khởi đầu lịch sử triều đại Romanov của các Sa hoàng Nga cuối cùng.

Kostroma, thành phố Vàng thứ 5, là nơi giao giữa 2 con sông Vonga và Kostroma.
Котрома, город Золого Кольца чeрез который протекут р. Волга и р. Кострома.

Ngày 16 (23-08-2017): Những thành phố cuối cùng (Rostov Velikiy, Pereslav Zalevskiy và Sergiev Posad), kết thúc hành trình tham quan Vành đai Vàng của chúng tôi.
-Rostov Veliky nằm cách Matxcơva 200 km về phía Đông Bắc. Sự hấp dẫn chính của thành phố  là điện Kremlin Rostov, được xây dựng bằng đá trắng vào thế kỷ 17 bên bờ hồ Nero. Bên chân tường cao vút của pháo đài này du khách thường cảm thấy mình chẳng khác nào những người tý hon. Điện Kremlin Rostov được bảo quản tốt và trông rất xinh đẹp, gợi nhớ tới minh họa trong câu chuyện cổ tích Nga.

-Pereslavl Zaleski, thành phố đẹp nhất trong Vành đai Vàng của nước Nga.Thành phố này tọa lạc ở cách Matxcơva 130 km về phía đông bắc, trải ra bên bờ hồ Plesheevo. Thành phố được tạo nên năm 1152  dưới thời Quận vương Yuri Dolgoruki, cũng là người trước đó đã sáng lập thủ đô Matxcơva.


- Thành phố Sergiev Posad nằm cách thủ đô Matxcova khoảng 70 km về hướng đông bắc, là nơi tọa lạc Đại tu viện Chính thống đáng kính Troytse-Sergieva Lavra. Thánh địa là vị trí truyền thống tổ chức các Hội thánh của Chính Thống giáo Nga, diễn ra những cuộc bầu chọn đức thượng phụ đứng đầu Giáo hội.

3 последних города завершили нашу экскурсию по городам Золотого Кольца России.

Ngày 17(24-08-2017): Chúng tôi quay lại Moskva từ Kostroma, bắt đầu tham quan những nơi mà chúng tôi còn bỏ sót tại Moskva.
Công viên Izmailovo, chợ đồ lưu niệm và công viên (kiêm vườn hoa quả miễn phí ) Kolomen.

Успели посетить Измайловский, Коломеньский парки и набрать себе и сувениры и "натуральные" яблочки перед дождем

Ngày 18(25-08-2017): Chúng tôi được anh Thuận, người anh cả của các hoạt động sinh viên Việt Nam mời đến nhà chơi và dùng bữa cơm thân mật.
Cảm ơn anh Thuận, "người anh cả" của các hoạt động sinh viên VN tại Moskva đã dành một buổi tiệc thân mật đón các em từ Vladivostok lên.
Hẹn gặp lại anh, những hoạt động sinh viên sôi nổi của anh và tất cả mọi người vào một ngày không xa.

Тебе спасибо большое за теплый прием, который для нас (дальневосточных курсантов) специально сделал. 

Thuan Tran Phu vẫn như ngày nào, là nơi hội tụ, là điểm đến tin tưởng của các em sinh viên, là chỗ dựa giúp các em có những phút dây đầy ắp kỷ niệm và ấn tượng tuyệt vời về quãng đời sinh viên lãng mạn, sôi nổi.

Ngày 19(26-08-2017): Kazan, thành phố có danh hiệu được thừa nhận là “thủ đô thứ ba của nước Nga”
Kazan là thành phố thuộc thủ phủ Cộng hòa Tatarstan, là hải cảng lớn trên tả ngạn sông Volga. Kazan là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị, khoa học, giáo dục, văn hóa và thể thao lớn bậc nhất của nước Nga. Toà thành Kremlin Kazan được UNESSCO công nhận là Di sản toàn thế giới.


Chuyến hành trình tham quan cộng hòa Tatartan bắt đầu từ thủ đô Kazan của ae chúng tôi.
Наша экскурсия по Республике Татарстан начилась столицей ее, г. Казань :D

Ngày 20(27-08-2017): Yoshkar-Ola. Một thành phố đẹp, kiến trúc hoàn chỉnh, gần sông Volga thuộc Cộng hòa Mari El. Điểm đến của thành phố là tượng chú mèo Iyoshkin.
Г. Йошкар-Ола и его кошка.

Ngày 21(28-08-2017): Chebosak. Một thành phố thủ độ của tỉnh Chuvashin, mệnh danh là viên ngọc trai của nước Nga.

Ngày 22(29-08-2017): Chúng tôi về lại Moskva vào một buổi sáng m ưa phùn, lạnh 12 độ. Hôm nay chúng tôi đi tham quan Viện Pushkin và đi nhận phòng ở. Moskva một ngày mưa buồn, cũng giống nhu cảm giác mà chúng tôi sắp phải rời xa nơi đây, chuyến du lịch của chúng tôi sắp kết thúc.

Ngày 23(30-08-2017): Sáng nay chúng tôi liên hoan lần cuối tại Moskva, anh em tranh thủ mua những món đồ lưu niệm cho riêng mình, và bay đêm về lại Novorossisk

Tạm biệt Moskva. Tạm biệt những "người bạn" đồng hành đáng mến trên suốt hành trình.
Расстаются друзья, 

Остается в сердце нежность, 

Будем песню беречь, 

До свиданья, до новых встреч.

До свиданья, Москва, до свидания.

Ngày 24(31-08-2017): Novosibirsk, thành phố cuối cùng chúng tôi tham quan, với 1 trải nghiệm chạy đua với thời gian khó quên :(
Новосибирск, последний город нашего летнего путешествия. До завтра, Владивосток!
Tác giả: Nguyễn Be Ly, Trịnh Quốc Vinh
(Trong bài viết có sử dụng thông tin trích dẫn từ internet)
* Cảm nhận của một số thành viên sau chuyến đi:
- Võ Quang Huy: Chuyến đi vừa qua rất vui, tôi biết được thêm rất nhiều cái mới.
Chúng tôi tận hưởng dc cảm giác tự do sau qua trình học tập căng thẳng , rèn luyện cho mình tính nhẫn nại trong làm việc nhóm.
Khuyến khích các bạn trẻ ngày nay nên có những chuyến đi như thế.

- Trịnh Quốc Vinh: Chuyến đi vừa qua giúp tôi học hỏi thêm được nhiều điều. Mong rằng trong tương lai mọi người sẽ có dịp được cùng nhau đi đến những chân trời mới. Vì bạn, là để khi vui, buồn, vinh, nhục, còn có nhau.,

- Lê Quý Việt: Đây chuyến đi du lịch đầu tiên cũng là dài nhất của tôi. Chuyến đi không chỉ mang lại cho tôi nhiều hiểu biết về đất nước Nga xinh đẹp mà còn đó là những cảm xúc, những trải nghiệm không quên. Tuy có những điều chưa thực sự hài lồng nhưng qua nó mà chúng tôi đã hiểu nhau hơn. Và mong rằng chúng ta sẽ có nhiều chuyến đi hơn nữa !!

Bốn chúng tôi – những du học sinh khoa Điều khiển tàu biển, trường ĐH Hàng hải Quốc gia Nga – hiện đã kết thúc học kì cuối trong quãng đời sinh viên của mình, cùng với việc vượt qua kỳ thi tốt nghiệp đầy chông gai, đã có thể tràn đầy tự tin để chuẩn bị cho chuyến đi 4 tháng của mình.

Kì thực tập của chúng tôi chính thức bắt đầu vào ngày 23 tháng 1, với tổng thời gian là 4 tháng, hứa hẹn sẽ là một chuyến đi biển dài và nhiều điều mới mẻ ở trước mắt.
Chúng tôi được phân về Xí nghiệp vận tải biển và công tác lặn (VTB), thuộc Liên doanh dầu khí Vietsovpetro – đơn vị đã cử chúng tôi đi đào tạo tại nước Nga. Những con tàu trong đội tàu của xí nghiệp này cũng là nơi chúng tôi sẽ gắn bó sau khi tốt nghiệp đại học trở về nước, vì thế chuyến thực tập này là một sự làm quen cần thiết với đặc điểm và điều kiện công việc ở nơi đây.
Tôi được điều xuống tàu Long Hải – 02 – một trong 2 tàu dịch vụ lặn của xí nghiệp VTB – cùng người bạn cùng khóa tên Việt. “Long Hải – 02” được đóng năm 2011 tại Indonesia và nhận thiết bị cũng như đăng kiểm tại cảng Singapore. Sau khi được bàn giao cho xí nghiệp VTB vào cuối năm 2011, tàu được khai thác liên tục cho đến nay, và chỉ vừa trải qua kì đại tu 5 năm tại dock vào cuối năm 2016, chỉ vài tháng trước khi tôi lên nhận tàu. Đây quả là một sự may mắn cho tôi và Việt vì tàu rất mới, trang thiết bị lại hiện đại, rất thuận tiện cho chúng tôi thực tập.
Công việc chủ yếu của tàu dịch vụ lặn là chuyên chở trạm lặn (gồm khoảng 25- 28 thợ lặn) đến địa điểm làm việc, thường là ở khu vực các mỏ, đường ống, giàn khoan,… rồi cố định vị trí tàu để đội lặn có thể làm việc một cách an toàn và hiệu quả. Vì đặc điểm công việc đòi hỏi độ an toàn cực kì cao, vị trí tàu cần ổn định ở mức tối đa, tàu hạn chế hoạt động mỗi khi biển có sóng lớn hoặc điều kiện thời tiết không thuận lợi có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của thợ lặn. Vì thế sau những chuyến biển dài ngày, đôi lúc tôi lại nhìn trời và thầm hi vọng về một sự biến đổi thời tiết nào đó có thể khiến cho tàu chúng tôi trở về bờ. Nghĩ là thế, nhưng trong khoảng thời gian tháng 3, tháng 4 mà chúng tôi đi biển ấy, thời tiết khá suôn sẻ, sóng gió êm và thời tiết có vẻ ủng hộ cho công việc của chúng tôi.
Đề tài mà tôi chọn viết cho kì thực tập này là về hệ thống Định vị thủy lực, một hệ thống còn khá mới mẻ nhưng hiện đang được sử dụng rất rộng rãi trong ngành hàng hải thế giới cũng như trong đội tàu của xí nghiệp VTB. Đây quả thực cũng là một sự lựa chọn liều lĩnh, bởi theo lời của những người trực tiếp làm việc với hệ thống này trên tàu “Long Hải – 02”, hệ thống khá rắc rối, cũng như để có thể hiểu và làm việc được, người điều khiển cần trải qua một khóa học chuyên nghiệp tại trung tâm. Nhưng các anh cũng khuyên tôi không quá lo lắng, bởi các anh hứa sẽ giúp tôi hoàn thành đề tài của mình, cũng như trao cho tôi khá nhiều tài liệu liên quan để tham khảo. Suốt thời gian mấy tháng của chuyến thực tập, nhờ chịu khó tìm tòi từ nguồn tài liệu ấy, tôi cũng đã tích cóp được kha khá kiến thức bổ ích cho đề tài tốt nghiệp và học hỏi được nhiều kinh nghiệm vận hành hệ thống.

Tuy được ưu tiên thời gian để nghiên cứu đề tài của mình, hàng ngày tôi vẫn cùng bác bosun của tàu đi làm việc – những công việc tàu bè thường gặp: bôi mỡ, sơn sửa bảo trì, làm dây, đấu dây, vệ sinh boong… Những công việc tuy không quá nặng nhọc nhưng cũng giúp tôi thu về cho mình nhiều kinh nghiệm làm việc.
Sau khi hoàn thành công việc, khoảng thời gian từ 17g mỗi ngày là thời gian nghỉ ngơi của chúng tôi. Chúng tôi tổ chức căng lưới xung quanh sàn tàu để đá bóng. Tuy không gian hạn hẹp không thể so với sân bóng ở bờ, nhưng những trận bóng cũng giúp mọi người thư giãn và nâng cao thể lực rất nhiều. Ngoài bóng đá, tàu “Long Hải – 02” còn được bố trí phòng xem phim, không gian tập thể hình, phòng sinh hoạt chung… rất nhiều sự lựa chọn thư giãn dành cho các thành viên trên tàu. Riêng tôi thì lại thích đi dạo quanh các boong tàu bắt chuyện với mọi người, vừa để hóng gió thư giãn vừa có cơ hội làm quen với mọi người. Trên tàu của chúng tôi có khoảng 10 người Nga làm ở phía trạm lặn, tất cả họ đều rất thân thiện và yêu mến Việt Nam. Nói chuyện với những người bạn Nga này nhiều khi làm tôi cảm thấy nhớ và mong được trở lại với đất nước bạn, dù chỉ mới có vài tháng xa cách.
Có những buổi chiều đi dạo quanh boong tàu, ngắm mặt trời từ từ đi ngủ phía chân trời, tôi chờ đợi màn đêm rũ xuống kéo theo một sự ảm đạm và cô đơn bốn bề là biển tối, nhưng cảnh vật đã không cho phép tôi bi quan. Tuy ở cách bờ gần 80 hải lý, khu vực mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng nơi Liên doanh dầu khí Vietsovpetro đang khai thác bao gồm rất nhiều khu giàn nổi nằm không xa nhau, về ban đêm các giàn đều sáng ánh đèn điện, cộng với các tháp đuốc luôn rực cháy – một biểu tượng kinh điển của ngành dầu khí – làm cho cảnh biển có vẻ nhộn nhịp  và sáng trưng ánh đèn như một thành phố nổi giữa khơi xa.
Biển và dầu khí là một món quà vô giá do thiên nhiên ban tặng không chỉ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mà của cả Việt Nam chúng ta. Càng ra biển tôi càng thấy yêu biển hơn, càng thấy có ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này, khai thác nhưng vẫn phải gìn giữ. Phải công nhận rằng những chuyến thực tập như thế này luôn rất bổ ích cho sinh viên, đặc biệt đối với ngành hàng hải yêu cầu nhiều kinh nghiệm trong công việc như của chúng tôi.
Hi vọng các bạn sinh viên hàng hải cũng sẽ có nhiều cơ hội được ra khơi, để làm – để học – để tạo cho mình một tình yêu với biển, vì có như thế chúng ta mới có thể xây dựng một tương lai vững chắc cho ngành hàng hải của Việt Nam chúng ta.
Tác giả: Trương Hiền
Nguyên trưởng Ban biên tập

Một số hình ảnh trong chuyến thục tập







Ngày 21-02 vừa qua, các giảng viên quản lý hoạt động quốc tế tại trường Đại học Hàng hải quốc gia LB Nga mang tên đô đốc Nhevelskoy đã tổ chức lễ hội "MASLENITSA" dành riêng cho sinh viên nước ngoài nhằm tôn vinh các giá trị tôn giáo đã từ lâu mang lại bản sắc đa văn hóa cho cường quốc liên bang.



  Theo truyền thống, lễ hội "MASLENITSA" bắt đầu vào thứ Hai. Nhằm duy trì truyền thống này từ thế kỉ thứ II tới nay, ngày 20-02 dưới sự chỉ đạo của trưởng ban tổ chức các sự kiện Spilevoy L.S. và giáo viên dạy tiếng nước ngoài Kiva L.A., các sinh viên ngoại quốc và sinh viên Nga đã được thưởng thức bánh nướng Nga. Trong bữa tiếc thiếu "gia vị" truyền thống bánh"bờ-lin" là một thiếu sót khá đáng tiếc. Bánh bờ-lin mang hương vị riêng và là được coi là đặc sản, rất được người Nga coi trọng!
  Ngày thứ ba theo truyền thống là ngày những người trẻ tuổi gặp nhau để tìm một người bạn đời. Họ cùng đi xe xuống đồi, thưởng thức ăn bánh trái. Trong suốt tuần kỉ niệm ngày truyền thống, thì vào thứ 3 lễ hội "MASLENITSA" được tổ chức cho các sinh viên ngoại quốc tại trường.
  Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, những cơn gió lạnh thấu, các sinh viên, giảng viên và nhân viên đã cùng xuống biển, nặn các hình nộm mang nội dung về lễ hội. Đồ ăn đặt trên bàn, thêm một ấm đun nước, một cái bát gỗ, trà nóng theo đúng phong cách truyền thống.
Khi bắt đầu tham gia, các học viên ngoại quốc tỏ ra khá e dè với thời tiết lạnh giá. Nhưng vài phút sau, họ đã quên mất cái lạnh và bắt đầu tham gia chơi trò chơi dân gian: chạy bằng chổi, nhảy với bóng, kéo co...
Tất cả đều vui mừng khi thấy hình nộm hoàn chỉnh, đó là lời khẳng định của một mùa xuân ấm áp đang về. Và tất nhiên, tất cả mọi người đã cùng  ăn bánh, quây quần bên đóm củi cháy rực lửa và uống li trà nóng.
Mùa đông tại Vladivostok thật dài - những ngày ấm áp của mùa xuân thật ít, vì vậy chúng ta cùng chờ đón nó và cùng cầu nguyện một mùa xuân thật ấp no, hạnh phúc muôn nơi!
                                                                                         Dịch bài: Nguyễn Đại Hoàng (BBT)
Một vài hình ảnh buổi lễ: 

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.