Bài viết thuộc chuyên mục "Trường MSUN trong tôi"

Hiển thị các bài đăng có nhãn Trường MSUN trong tôi. Hiển thị tất cả bài đăng


(Bài thơ mang tính chất giải trí , mọi người đọc cho vui )

Rời  Việt Nam đi xa
Mỗi người đi một ngả
Nhưng anh em chúng ta
Lại tụ nơi đất lạ

Từ chí Bắc vào Nam
Chúng ta chung một nghề
Chia ra lái, máy ,điện
Tựu tề tại MSUN

Đại học hàng hải đó
Mang tên NHE-VEN-SCÔI
Đã bao thế hệ rồi
Ôi ngôi trường lịch sử

Từ một tám chín mươi
Một trăm hai lăm tuổi
Bao thế hệ thuyền trưởng
Đào tạo ở nơi đây

Mỗi học viên hàng ngày
Sáng phải dậy sớm chạy
Chiều đi đều cho hay
Tối lại phải lo cày

Anh em chúng tôi đây
Ngày học ba, bốn tiết
Cơm ăn ngày ba bữa
Bụng luôn luôn căng đầy

Thu thì đi quét lá
Đông thì cầm xẻng ra
Hốt hết đám tuyết lạ
Rồi mới được về nhà

Phòng có bốn cái giường
Thêm được bàn hai cái
Bốn cái ghế chung quanh
Vừa đủ để học bài

Cuộc sống tuy hơi khổ
Nhưng luôn có anh em
Nguồn động viên to lớn
Vượt qua mọi đêm đen

Sau 5 năm đi học
Mong anh em đừng quên
Trường MSUN thuở ấy
Nơi có những cô thầy

Họ luôn luôn cố gắng
Truyền đạt hết kinh nghiệm
Mặt có vẻ rất nghiêm
Nhưng tấm lòng dung hậu

Cuộc đời lính là thế
Khó thể tả thế nào
Nếu muốn biết thế sao

Mời mọi người sang học .



Tác giả: Nguyễn Hải Khánh.





Theo như kế hoạch của nhà trường, học viên đại đội 14 chúng tôi đã được đi thực tập trong thời gian 2 tháng. Dù thời gian thực tập ngắn, nhưng thật sự mà nói kì thực tập này đã đem lại cho tôi rất nhiều điều từ thực tế , khả năng tư duy được nâng tầm đến cách làm việc tuân theo giờ giấc, kỉ luật và kinh nghiệm làm việc trên tàu. Điều này rất quan trọng đối với học viên chúng tôi trong việc xác định hướng đi phù hợp trong nghề nghiệp của mình, để chuẩn bị hành trang cho những năm học tiếp theo.


Tôi rất may mắn khi kì thực tập đầu tiên được diễn ra trên chiếc thuyền buồm mang tên “Hi vọng” của trường Đại học hàng hải liên bang Nga mang tên đô đốc Nhevelskoy (MSUN). Sau hơn 23 năm hoạt động (05/07/1992 – 2015), thuyền buồm “Hi vọng” đã thực hiện được một chuyến vòng quanh thế giới (2004), tham gia nhiều festival và giành nhiều kết quả cao trong các cuộc thi thuyền buồm trên thế giới.


Ngay từ lần đầu bước lên thuyền, tôi đã cảm nhận được một không khí làm việc rất được coi trọng, có thể tóm gọn trong 3 từ: nghiêm túc, linh hoạt và kỉ luật. Tuy kì thực tập tại thuyền buồm trong một thời gian ngắn nhưng tôi nhận thấy hầu hết thủy thủ trên thuyền đều có thái độ tinh thần làm việc rất say sưa và năng động. Ai cũng thi đua làm việc hết khả năng của mình, mặc dù nhiều lúc công việc có căng thẳng song dù vậy mọi người vẫn tạo ra một không khí vui vẻ.

Khi đến thực tập tại đây tôi được làm quen với môi trường làm việc tập thể và các áp lực công việc thực tế. Đặc biệt là áp dụng các kiến thức lý thuyết đã học vào thực tế, qua đó mình có cơ hội tốt để củng cố, kiểm tra lại vốn kiến thức của mình.

Trong chuyến thực tập này, thuyền chúng tôi đi theo lộ trình “dọc bờ biển vùng Viễn đông” và ghé thăm thành phố Plastun (Пластун), đó là một thành phố yên bình ven bờ biển, người dân sống chủ yêu bằng nghề chế biến gỗ và họ rất thân thiện và mến khách, đặc biệt là với các thủy thủ. Tại đây chúng tôi có một chuyến tham quan nhỏ quanh thành phố. Và trong lúc đi dạo phố, tôi đã được một người dân gọi lại nói chuyện thân mật và được tặng dâu tây trong vườn nhà họ.

Tham quan nhà máy chế biến gỗ

Điều tôi thích thú nhất khi thực tập tại đây là công việc buồm. Do đặc thù riêng của thuyền là không chỉ chạy bằng máy mà còn cả bằng buồm, nên tất cả các học viên tham gia thực tập đều cần phải biết và thành thạo công việc này. Vậy đó là gì và chúng tôi cần làm gì? Đó là thả và căng buồm, là điều khiển góc buồm và là cuộn buồm lại khi không dùng đến. Và để làm được những điều đó, việc đầu tiên là chúng tôi cần vượt qua nỗi sợ độ cao. Tôi nhớ lần đầu tiên leo lên cột buồm, mỗi bước chân đều rất nặng trĩu, hai tay run run bám chặt dây thừng, mắt luôn hướng lên trên, không dám nhìn xuống dưới. Nhưng với sự hướng dẫn và động viên của thủy thủ, tôi đã vượt qua được nỗi sợ và leo lên được các trục thuyền, nơi chúng tôi làm việc với buồm. Từ sau đó, mỗi lần nghe chuông báo tập trung lên boong làm công việc buồm, trong tôi không còn nỗi sợ mà thay vào đó là sự phấn khích, hào hứng.

Các học viên đang leo lên cột buồm theo thừng chằng cột buồm.

Các học viên đang cuộn buồm lại.

Tác giả: Đoàn Hữu Hùng.





Những bông hoa tuyết ngày càng rơi nhiều báo hiệu một mùa đông lạnh giá nữa lại đến, vậy là cũng 2 năm rồi tôi không được về thăm gia đình và quê hương. Có thể đối với nhiều người 2 năm không phải là khoảng thời gian dài, nhưng đối với một du học sinh thì 2 năm đó là một khoảng thời gian khá là lâu, nó giống như một cuộc phiêu lưu nhỏ với những bài học, những kinh nghiệm vô cùng ý nghĩa, sâu sắc và thiết thực trong cuộc sống.


Hai năm tại mảnh đất lạnh giá tên Vladivostok  với những nhóm lửa chập chờn của tình yêu thương, có quá nhiều điều ta phải cần trưởng thành hơn từ suy nghĩ cho tới hành động. Tại sao ư? Bởi ta không còn được bao bọc bởi tình yêu thương của cha mẹ nữa, sự vui đùa những đứa bạn thân khi ta còn ở nhà. Ta phải tự làm tất cả từ cách nấu ăn cho đến việc giặt giũ hay chăm sóc bản thân, tự phải học tập và tự kiềm chế bản thân.
Sống tại một vùng đất đó, nếu không nhờ những nhóm lửa chập chờn kia có lẽ ta không thể tồn tại được. Nhóm lửa đó là những người anh, những người chị, những người bạn cùng lứa tuổi, những người giống như tôi.


Họ động viên, giúp đỡ tôi trong việc học cũng như trong đời sống. Họ tạo ra những bữa tiệc tinh thần để nguôi ngoai nỗi nhớ nhà và sưởi ấm trái tim tôi.
Sống và làm việc dưới mái trường Hàng hải MSUN, tôi - một học viên đã  gặp không ít khó khăn. Từ việc hoà nhập vào cuộc sống đến cách kết bạn với những người bạn Nga hay trong việc học tập và tuân thủ quy định nội quy. Có thể bạn sẽ không tin, tại nơi chúng tôi ở bạn sẽ phải ngạc nhiên bởi nó rất gọn gàng và sạch sẽ đến độ bạn sẽ không thể tìm ra được một hạt bụi nào trong phòng.


Bởi vì bọn tôi sẽ phải dọn vệ sinh nếu như phòng bừa bãi và không gọn gàng, mỗi ngày sẽ có người kiểm tra phòng và chúng tôi không thể trèo lên giường trước 10 giờ tối .Những người bạn Nga, tôi có thể nói gì về họ? Họ khá thân thiện với chúng tôi và giúp đỡ chúng tôi trong mọi việc, tuy nhiên nhiều lúc tôi cảm thấy khá buồn cười hoặc có chút tức giận bởi những hành động có chút dại khờ, ngây ngô,  điên dại và có chút tinh nghịch của những đứa trẻ. Nhưng mọi việc,  mọi cảm xúc tức giận sẽ được xua tan sau cái bắt tay giữa những người bạn -một hành động khá là thú vị và được tôi đánh giá cao.


Tác giả: Lê Tuấn Sơn.





TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG HẢI QUỐC GIA NGA, TP VLADIVOSTOK
BAN BIÊN TẬP WEBSITE MGUVLA.NET

THỂ LỆ CUỘC THI VIẾT
“TRƯỜNG MSUN TRONG TÔI”

1.     Thời gian dự thi: từ ngày 08/11/2015 đến ngày 06/12/2015
2.     Đối tượng dự thi:
Tất cả sinh viên, học viên tất cả các khóa, nghiên cứu sinh là người Việt Nam đang theo học tại trường ĐH Hàng hải Quốc gia Nga, TP Vladivostok (MSUN).
3.      Nội dung:
Chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ, ấn tượng hoặc kỷ niệm sâu sắc của bạn về Trường  MSUN thông qua quãng thời gian bạn đã sống, học tập tại ngôi trường này.
Bài viết: Bài viết không dài quá 1.500 từ, có kèm ảnh minh họa, được đánh máy và gửi đến ban biên tập dưới dạng file đính kèm.
Video clip: Bài thi được tham gia dưới dạng video clip hoặc slideshow ảnh có thuyết minh hoặc phụ đề… Thí sinh gửi đường link download file gốc tới hòm thư bbt@mguvla.net. Lưu ý các hình ảnh sử dụng trong bài thi phải do chính thí sinh thực hiện hoặc dàn dựng, nếu vi phạm quy định trên bài thi sẽ bị loại, không được tham gia xét giải.
    Các bài dự thi có phương thức thể hiện sáng tạo sẽ được hoan nghênh.
4.     Cách thức tham dự:
Người dự thi gửi bài dự thi thông qua email bbt@mguvla.net.
5.     Giải thưởng:
1 giải nhất: 800 rup
1 giải nhì: 500 rup
1 giải ba: 300 rup
Phần thưởng hiện kim sẽ được tặng cùng giấy khen bởi ban biên tập vào ngày đại hội Chi đoàn cuối năm.
6.     Cách tính điểm:
Từ ngày 08/11/2015 đến ngày 06/12/2015, Ban biên tập sẽ nhận bài thi của các bạn và đăng tải lên trang chủ mguvla.net , chuyên mục Góc sẻ chia vào khung giờ 20:00  - 22:00 hàng ngày, đồng thời trên trang bình chọn của ban biên tập lập ra sẽ có tên bài viết đính kèm link, người đọc và người bình chọn chỉ cần nhấn nút vào ô có tên bài dự thi phù hợp và bình chọn.
Một người đọc có thể bình chọn được nhiều lần và nhiều tác phẩm nhưng ở mức 24 giờ/ 1 bình chọn.
Tất cả bình chọn sẽ được ban biên tập tổng kết vào cuối ngày 06/12/2015, từ sau đó mọi lượt bình chọn thêm sẽ không được tính hợp lệ.
7.     Quy định chung:
Bài dự thi phải viết trên ngôn ngữ tiếng Việt hoặc tiếng Nga, phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Bài viết dạng text dài tối đa 1.500 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, không dùng từ viết tắt, font chữ Unicode, có thể kèm theo hình ảnh minh họa hoặc bài thể hiện dưới dạng video clip hoặc ảnh do tác giả chụp. Các từ phiên âm từ tiếng Nga phải có nguyên bản tiếng Nga chú thích trong ngoặc.
Quy định về video: có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung.
Bài dự thi thể hiện đúng chủ đề và đáp ứng các yêu cầu của cuộc thi, không sao chép bất kỳ nguồn nào trước đó.
Người dự thi có quyền share bài viết của mình trên facebook cá nhân, hoặc kêu gọi bạn bè người thân bình chọn cho mình.
Các thành viên của Ban biên tập website có quyền tham gia dự thi.
Mỗi tác giả được gửi tối đa 2 bài viết.

Xin mời bạn bình chọn cho danh sách bài dự thi theo khung sau.




Trưởng Ban biên tập

Trương Hiền



Vài dòng tâm sự giành cho những người anh em của tôi…

 In loneliness, in sickness, in confusion-the mere knowledge of friendship makes it possible to endure, even if the friend is powerless to help. It is enough that they exist. Friendship is not diminished by distance or time, by imprisonment or war, by suffering or silence. It is in these things that it roots most deeply. It is from these things that it flowers. 
                                                                                                Pam Brown

Đó là câu danh ngôn tôi tình cờ đọc được trong một cuốn tạp chí của thi sĩ người Úc Pam Brown, và kể từ thời điểm đó nó đã trở thành phương châm sống của tôi.
Tạm dịch nôm na câu nói là:

“ Trong sự cô đơn, trong đau ốm, trong bối rối – nhận thức về tình bạn khiến ta có thể bước tiếp, thậm chí ngay cả khi bạn ta bất lực không thể giúp ta. Họ ở đó là đủ rồi. Tình bạn không phai nhạt bởi không gian hay thời gian, bởi sự giam cầm của chiến tranh, bởi khổ đau hay sự im lặng. Chính trong những thứ đó mà nó bắt rễ sâu nhất. Chính từ những thứ đó mà nó nở hoa.”

Tình bạn mà tôi muốn nói đến ở đây không phải là tình bạn đơn thuần giữa 2 người bạn thân, mà nó là của cả một tập thể, là tình đồng chí, tình anh em của những học viên đang học tập tại “ngôi trường thân yêu” MGU Nhevelskoy, thành phố Vladivostok, Liên bang Nga.

Cho phép tôi được giới thiệu đôi câu về ngôi trường này cũng như về anh em chúng tôi. Không giống như những ngôi trường đại học bình thường khác, trường tôi đào tạo những chuyên ngành liên quan đến hàng hải theo hệ “bán quân sự”, nghĩa là ngoài việc học các môn chuyên ngành ra chúng tôi còn phải sinh hoạt như trong quân đội (phải xếp hàng, phải đi đều, phải trực, phải lao động,...). Ngoài ra, tất cả những sinh viên học theo hệ bán quân sự được miễn toàn bộ tiền học, tiền ăn, tiền đồng phục. Chính vì cái  miễn phí đó mà chúng tôi phải đi lao động (cũng miễn phí luôn), phải đi trực, phải tuân thủ theo mọi mệnh lệnh của cấp trên... Nói đến đây chắc các bạn cũng phần nào hình dung được cuộc sống “thú vị” của anh em chúng tôi rồi nhỉ!!

Nhưng như câu nói của Pam Brown, chính trong những cực khổ, trong sự thiếu thốn, giữa con người ta hình thành một sợi dây cực kì chắc liên kết họ lại, tạo thành một tập thể vững chắc để cùng nhau đập tan những thử thách đó. Và tôi gọi sợi dây đó là “tình anh em”.

Khó có thể dùng một từ để diễn tả được tình anh em của chúng tôi. À không, có lẽ có một từ có thể miêu tả được gần đúng, đó là từ “ruột thịt”. Đúng vậy, không biết từ lúc nào, những con người mà mới chỉ 2 năm trước tôi vẫn còn chưa quen biết, giờ đã trở thành những người anh, người em thân thiết như người một nhà. Nói một nhà thì cũng đúng thôi, vì trường tôi nhỏ lắm, lại còn 1 ngày phải 3-4 lần xếp hàng ở sân trường, anh em gặp mặt nhau còn nhiều hơn người trong nhà chạm mặt. Cứ mỗi lần gặp nhau là lại cãi nhau, huých nhau mấy phát, lại xum lại 1 đám cười ầm ĩ hết cả lên. Chính những tiếng cười ấy khiến tôi cảm thấy bớt trống trẻo, bớt lạnh lẽo giữa cái sân trường rộng lớn ấy...
Trường tôi cái gì cũng miễn phí hết mà, ăn 1 ngày 3 bữa cũng hoàn toàn miễn phí luôn. Haizz, cái gì miễn phí thì chất lượng chắc các bạn cũng hiểu rồi đấy. Thử hình dung có những món cháo khi đã đổ ra đĩa, lúc úp đĩa xuống cháo không hề rớt; rồi có món cá sống ngửi còn khó nữa nói gì ăn; rồi tối nào cũng cá, cá, cá và cá. Chưa kể lâu lâu đang ăn, chợt nhìn xuống đĩa ăn thấy 1 em “ thiên thần” trắng toát đang ngoe nguẩy cùng cái “mũ màu đen” trên đầu mình... Ngày xưa khi còn học dự bị, tôi không biết được mùi vị của những món ăn ấy, nhưng tôi hiểu được rằng, một chén cơm cho các anh lúc ấy còn quí hơn vàng bạc rất nhiều lần. Rồi đến khi vô năm nhất, tôi không còn đem chén cơm ấy ra so sánh với vàng bạc nữa, mà tôi nhận ra rằng, sống trong môi trường khắc nghiệt như vậy, một bữa tối đúng chất Việt Nam, ngồi quây quần bên nhau cùng anh em nó đã trở thành 1 cái gì đó thiêng liêng lắm, và tiền bạc thì không thể mua nổi. Và những người anh em giúp ta tạo nên điều thiêng liêng ấy, tôi đã coi họ như “gia đình”. Dù đôi khi người đông, thức ăn không đủ, có lúc phải cho muối mì tôm vào nước sôi làm canh, nhưng sao tôi vẫn thấy ngon lắm, trong lòng cảm thấy ấm lắm, cái ấm của tình cảm anh em, của tình cảm gia đình.

9/11/2015, tuyết lại rơi, lại một mùa đông nữa đến. Tôi lại nhớ về mùa đông khi mới bước vô năm nhất, cái mùa đông “khủng khiếp” nhất của mình. Sao năm ấy tuyết lại rơi nhiều như thế, khiến cho bọn năm nhất chúng tôi dọn không kịp. Cơn này vừa dứt 1 tí thì cơn khác lại tới. Cái cảm giác 6h sáng đang ngủ bị gọi dậy xúc tuyết giữa những cơn gió rít lạnh cóng nó khó chịu lắm chứ. Sáng xúc, trưa học về lại phải xúc đến bữa tối, ăn tối xong lại tiếp tục xúc. Rồi còn việc học hành nữa chứ, muốn về nhà thì phải trả môn sớm, giáo viên thì lại khó chịu nữa. Cái ý nghĩ không về nhà kịp nó cuộn lại cùng những đợt tuyết trắng xóa, nó khiến tôi như muốn gục ngã, chỉ muốn chui vô một góc tối và khóc. Nhưng bạn sẽ luôn có thể đi qua những thời điểm tối tăm của cuộc sống, nếu họ biết rằng có những người bạn vẫn đang đợi mình ở nơi có ánh sáng. Và không ai khác, họ chính là những người anh em của tôi. Tuyết còn có gì lạnh khi nó có thể được vo lại và chọi vào người khác, một xẻng đầy tuyết trở nên nhẹ hều khi bạn hất thẳng vô mặt người ta. Anh em chúng tôi biến buổi dọn tuyết mệt nhọc thành một cuộc chiến mà không phải ai cũng có cơ hội được tham gia. Rồi cứ đến cuối tuần, anh em lại rủ nhau xuống sân đá bóng, dù cho cái lạnh âm mười mấy độ cũng không cản nổi được niềm đam mê của chúng tôi. Một trận bóng với anh em là rất cần thiết để giải tỏa hết những căng thẳng sau một tuần học tập và lao động mệt nhọc... Và cứ như thế, anh em chúng tôi đã cùng nhau vượt qua được mùa đông lạnh giá của xứ sở bạch dương này.

Thời gian cứ thế chầm chậm trôi qua, có lẽ mỗi người chúng tôi ai cũng có những thay đổi, không còn hồn nhiên vô tư như trước kia nữa. Đã qua rồi những đêm trùm chăn đóng kín cửa coi phim ma, nhấm nháp tí vodka rồi ngồi đàn hát tới sáng, qua rồi những bữa ăn uống đập phá tanh bành cái phòng của mấy đứa dự bị. Mà giờ đây, ai cũng có sẵn trong mình những định hướng, những kế hoạch cho tương lai, cách nghĩ của mỗi người cũng đã khác trước, bởi ai rồi cũng phải trưởng thành mà. Rồi lịch thực tập, lịch nghỉ cũng khác nhau, khiến thời gian chúng tôi gặp nhau trở nên ít hơn. Nhưng với tôi, anh em thì vẫn sẽ mãi là anh em thôi! Bởi vì không sự cách biệt về không gian hay thời gian nào có thể làm yếu đi tình bạn của những người thực tâm bị thuyết phục bởi giá trị của nhau. Dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, thì tình cảm giữa anh em chúng tôi cũng sẽ không bao giờ phai nhòa.

“Nếu tất cả anh em của tôi nhảy khỏi cây cầu, tôi sẽ không theo đâu, tôi sẽ là người ở bên dưới để đón họ khi họ rơi xuống.”

Thế là chỉ còn hơn 1 năm nữa, lứa sinh viên đầu tiên sẽ tốt nghiệp về nước làm việc. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi không còn được gặp mặt nhau thường xuyên nữa. Cảm ơn tạo hóa vì đã sắp xếp cho chúng tôi gặp được nhau, trải qua quãng đời sinh viên cùng nhau, và trên hết là cho chúng tôi cơ hội được cùng làm việc trong một công ty, cùng sống trong một thành phố. Thử tưởng tượng sau 15-20 năm nữa, khi mà chúng tôi ai cũng đã lập gia đình, cũng đã trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, tất cả anh em họp mặt đông đủ trong một bữa tối, ngồi ôn lại những kỷ niệm thời sinh viên, ngồi đàn hát cho nhau như thời xưa ấy, rồi tự hào khi kể lại cho con cháu của mình rằng tuổi trẻ của cha chúng nó đã trải qua những gì và gặt hái được những gì tại đây. Ôi chỉ nghĩ đến lúc ấy thôi, trong lòng tôi nghe sao thật hạnh phúc quá...

Thế đó, tình cảm của anh em chúng tôi, những thủy thủ tương lai của đất nước bắt đầu như thế nó. Nó cứ càng ngày càng lớn mạnh trong tim mỗi chúng tôi. Và cũng sẽ chẳng có cái kết thúc nào cho tình anh em của chúng tôi cả. Vì chẳng dễ gì để bạn tìm thấy được những người anh em như thế trong cuộc đời bạn, và cũng chẳng dễ gì để tiêu diệt một thứ tình cảm mà được hình thành nên từ gian khổ và sự tôn trọng lẫn nhau. Đó sẽ là một thứ tình cảm bất diệt, vì tất cả chúng tôi đều hiểu được rằng:

Có một định mệnh biến chúng ta thành anh em: Không ai đi đường một mình, tất cả những gì ta gửi vào cuộc đời của người khác sẽ quay trở về cuộc đời của ta.

                                                                                                Edwin Markham



Tác giả: Hoàng Trọng Chung


Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.