Quê hương Việt Nam cong cong hình chữ S là Tổ Quốc thân yêu mà ông cha ta bao đời qua đã xây dựng và bảo vệ. “Tấc đất tấc vàng”. Chủ quyền thiêng liêng ấy không chỉ giới hạn bởi diện tích lãnh thổ, mà còn là những vùng biển xanh rộng lớn và những quần đảo, là một phần máu thịt lãnh thổ thiêng liêng. Là một công dân Việt Nam, cho dù ở bất cứ đâu trên thế giới chúng ta đều phải có nhận thức rõ ràng về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 

           Để nâng cao hiểu biết, nhận thức về biển đảo Việt Nam, vào ngày 20/11/2021 được sự đồng ý của Ban cán sự Đoàn tại Liên bang Nga, tại trụ sở Hội người Việt Nam tỉnh Primorye, Liên Chi Đoàn Tp Vladivostok đã vinh dự là 1 trong 32 đầu cầu toàn thế giới được tham gia theo dõi tọa đàm “Kiều bào với biển đảo quê hương”. Chương trình được tổ chức bởi Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Tham dự buổi tọa đàm từ điểm cầu Tp. Vladivostok có ông Đỗ Tuấn Nghĩa, phó chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Primorye, anh Trịnh Quốc Vinh, ủy viên BCH Hội người Việt Nam tỉnh Primorye phụ trách công tác sinh viên.

           Tại buổi tọa đàm, các đoàn viên, sinh viên đã được biết thêm nhiều thông tin về diện tích vùng biển Việt Nam quản lý.


Các đoàn viên đứng dậy thực hiện nghi thức Chào cờ Tổ quốc cùng đầu cầu Hà Nội.

Trong thời khắc giải lao, đ/c Trịnh Quốc Vinh, đại diện BCH Liên chi đoàn Tp. Vladivostok đã khuyến khích các đoàn viên tìm hiểu thêm thông tin về thực trạng biển đảo Việt Nam hiện tại. Các đoàn viên cũng đã tìm hiểu thêm về số lượng các điểm đảo thuộc chủ quyền mà hiện tại Việt Nam đang kiểm soát, và được biết như sau:

  •  Hiện tại, quân đội ta đang đóng quân tại 9 điểm đảo nổi và 12 điểm đảo chìm, trong đó có tổng cộng 33 điểm đóng quân trải đều cho 21 điểm đảo.
  • Hiện tại trên đảo Trường Sa lớn, chúng ta đã có 1 sân bay lớn phục vụ cho công tác chiến đấu cũng như dân sự.
  • Ngoài ra còn có 9 ngọn hải đăng tại các đảo như: Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Đá Lát, Đá Tây, An Bang, Song Tử Tây, Tiên Nữ và Trường Sa.
  • Về công trình văn hóa, có hiện tại có 6 ngôi chùa trên các đảo: Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết và Phan Vinh.

Trong buổi tọa đàm, các đoàn viên, sinh viên đã được thấy, được nghe, được cảm nhận những vất vả, khó khăn vô cùng mà các chiến sĩ Hải Quân phải đối mặt và vượt qua trong cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió. Ngày đêm canh gác, ‘bám đảo bám biển’ bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc. Chiều hoàng hôn trên biển thật đẹp mà cũng buồn đến lạ thường. Khi bóng tối dần dần bao phủ không gian, giữa tiếng gió và tiếng sóng vỡ mạn tàu, từng giai điệu của ca khúc ‘Hồn tử sĩ’ vang lên tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải Quân – 64 người con Việt Nam đã hy sinh trong trận hải chiến tại Gạc Ma, như nhắc nhở mỗi người hãy luôn khắc ghi và chiến đấu không ngừng vì chủ quyền của Tổ Quốc. Cả tọa đàm như lặng đi khi hình ảnh từng vòng hoa dần được thả xuống mặt biển cả mênh mông. 

"Những vòng hoa xin được gửi vào lòng biển cả,

Kính gửi tới các Anh – Nhữug người Bất Tử"

Chúng ta cũng được lắng nghe những nỗi niềm, tâm sự của những người lính đảo. Đơn giản lắm, tất cả chỉ gói gọn vào nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ cha. Chúng ta kính phục tinh thần bất khuất, sự hy sinh hạnh phúc cá nhân vì Tổ Quốc của những người lính, càng thêm yêu hơn màu da đen sạm cháy nắng ấy. Tất cả những điều điều đó chỉ để khẳng định 1 điều duy nhất, 1 điều đã là chân lý, là lẽ tự nhiên rằng Hoàng Sa, Trường Sa trong quá khứ, hiện tại và tương lai mãi mãi là phần máu thịt không thể tách rời của Tổ Quốc Việt Nam.

Anh Nguyễn Xuân Hoàn, nguyên Phó bí thư Ban cán sự Đoàn tại Liên bang Nga chia sẻ tại đầu cầu Hà Nội

Đ/c Lê Trịnh Quang Duy, bí thư BCH chi đoàn có những phút giây lắng đọng

Sau đây là 1 số cảm nghĩ của đoàn viên Chi đoàn Đại học Hàng hải Nevelskoy sau khi tham gia buổi tọa đàm:

- “Bản thân tôi khi được tham gia buổi tọa đàm đó chính là một vinh dự lớn và sau khi kết thúc buổi tọa đàm để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Đầu tiên đó chính là niềm tự hào dân tộc khi mà những người chiến sĩ hải quân Việt Nam ta đang ngày đêm giữ vững biên cương tổ quốc vùng biển đảo xa xôi. Không khỏi xót xa khi thấy những hình ảnh của 64 chiến sĩ hi sinh trong trận chiến Gạc Ma, và hơn thế nữa đó chính là kính phục sự hi sinh của các chiến sĩ ngày đêm bám biển quên đi bản thân mình. Người Việt Nam dù ở bất cứ đầu trên đất nước hay bất cứ đâu trên thế giới luôn một lòng hướng về đất nước, hướng về biển đảo đó là sự đoàn kết về tinh thần và là liều sức mạnh để ủng hộ tinh thần chiến đấu đến tất cả chiến sĩ biên cương hải đảo.” – Đoàn viên Phan Thị Hồng Ngọc, ủy viên BCH Chi đoàn chia sẻ.

- “Không phải ai cũng có cơ hội được ra thăm quần đảo Trường Sa, vậy nên không thể biết hết được những khó khăn, khổ cực của những người lính đang ngày đêm bảo vệ lãnh thổ nơi xa nhà. Thông qua buổi Tọa đàm, qua những lời chia sẻ, cảm nghĩ của những người khách mời, diễn giả, tôi cũng phần nào cảm nhận những cảm xúc của họ, sự cảm thương, mong muốn được góp sức, giúp đỡ những chiến sĩ tại nơi đảo xa. Và tôi hi vọng buổi tọa đàm này có thể lan tỏa đến những người dân Việt Nam về quần đảo của đất nước ta, sự kiên cường của những người chiến sĩ, và cũng như tinh thần luôn hướng về biển đảo của nhân dân ta.” – Đoàn viên Lê Trịnh Quang Duy, bí thư BCH Chi đoàn chia sẻ.

- “Qua buổi tọa đàm giúp tôi hiểu hơn về những khó khăn của người lính canh gác trên đảo, giúp tôi thêm yêu đất nước con người Việt Nam” – Đoàn viên Nguyễn Văn Tiến chia sẻ

- “Trải qua buổi tọa đàm tôi càng có thêm kiến thức về biển đảo, chủ quyền của đất nước, tầm quan trọng của nhà giàn DK1 và các chiến sĩ đang ngày đêm bám biển bảo vệ quê hương, đất nước. Buổi tọa đàm đã giúp tôi hiểu thêm những khó khăn của những người lính trên đảo từ đó khiến tôi có động lực học tập phấn đấu để trở thành người công dân có ích cho đất nước để không phụ công lao mồ hôi xương máu của các anh.” – Đoàn viên Đỗ Thị Xuân Quý chia sẻ.


Phút giây các đoàn viên hòa cùng tiết mục văn nghệ tại điểm cầu Hà Nội

Tác giả: Lê Nguyễn Thành Lân, Phó bí thư thường trực BCH chi đoàn