Bài viết thuộc chuyên mục "Góc sẻ chia"

Hiển thị các bài đăng có nhãn Góc sẻ chia. Hiển thị tất cả bài đăng


Vladivostok , ngày 27 tháng 01 năm 2017
THƯ CHÚC TT
Xuân Đinh Dậu ­ 2017
Thưa các đoàn viên, đng viên trường đi hc hàng hi MGU,
Hòa vào không khí chào xuân Đinh Dậu, thay mặt BCH chi Đoàn ĐHHH quốc gia mang tên đô đốc Nhevelskoy, tôi xin gửi đến các đồng chí, các bạn và gia đình những lời chúc mừng nồng ấm, chân thành và tốt đẹp nhất.
Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới đang đến rất gần, đây là lúc chúng ta cùng nhau nhìn lại một năm 2016 đã qua với biết bao thành tựu đạt được, biết bao cung bậc cảm xúc trong cuộc sống, cùng với đó là những mặt hạn chế cần khắc phục…Nhưng quan trọng hơn hết là chúng ta đã cùng nhau đi đến ngày hôm nay, ngày cuối cùng của năm Bính Thân 2016.
Năm 2017 là một năm đổi mới. Hãy chăm lo cho sức khỏe của bản thân, hãy cố gắng hết mình trong học tập, hãy sôi nổi trong các hoạt động tập thể. Một tập thể mạnh hình thành từ những cá thể mạnh và những cá thể mạnh xuất phát từ chính bản thân các bạn, với nỗ lực tự thân phát triển cá nhân không ngừng. Hãy nhớ rằng các bạn là những sinh viên ưu tú của đất nước Việt Nam, tập thể này cần các bạn, gia đình cần các bạn và đất nước cần các bạn.
Thời gian cho sự lười biếng, cho những việc vô nghĩa, cho những thói quen tật xấu tồn tại như thế đã là quá đủ rồi, vì thời gian của tuổi trẻ là rất ngắn, chẳng mấy chốc mà qua đi mãi mãi. Nên nhớ, “không có việc gì khó đến mức người khác làm được mà mình không làm được”. Năm 2017 có mang tính bước ngoặt trong cuộc đời bạn hay không tùy thuộc vào chính bạn.
 Nhìn lại năm qua để hướng về phía trước, nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, một lần nữa xin chúc tất cả các đoàn viên sức khỏe, thành công, chúc cho gia đình các bạn có một năm Đinh Dậu 2017 sung túc đầm ấm và chi Đoàn trường ĐHHH quốc gia mang tên đô đốc Nhevelskoy ngày càng đoàn kết, vững mạnh.
Thân ái!
     Bí thư
Đoàn Minh Duy

Tết xa nhà, tôi ngày càng thấm thía nỗi nhớ gia đình, đôi khi cứ mơ màng nhớ về những kỉ niệm Tết trước. Ngày Tết ở đây cũng có bánh chưng, giò chả, có liên hoan, có nhạc xuân bật suốt, có Táo quân... nhưng lại chẳng có bố mẹ.
Lại một cái Tết nữa sắp đến rồi, sao mà nhanh quá. Vậy là tôi sắp trải qua cái Tết thứ hai ở nơi xứ lạnh này. Tôi còn nhớ năm ngoái thời gian này tôi mới sang đây học được mấy tháng thôi nên lúc đó chưa cảm thấy gì nhiều. Ngày ấy, mọi người hỏi tôi có nhớ nhà không thì thành thật là nhớ chút thôi, có lẽ lúc đó hơi ấm gia đình vẫn còn nhiều. Xuân nay thì khác, nỗi nhớ nhà cứ da diết trong lòng. Trải qua một năm sống và học tập tại thành phố lạnh giá này, mỗi lần khó khăn, mỗi lần ốm bệnh, mỗi lần thấy những hình ảnh về VN, về gia đình, tôi lại khát khao biết mấy có bố mẹ ở bên. Tôi nhớ món ăn của mẹ, nhớ lúc mẹ mắng, nhớ lúc bố giấu mẹ cho tôi tiền tiêu vặt, nhớ những ngày tôi ốm được bố mẹ mua cho thật nhiều đồ ăn ngon, những cuộc gọi giục tôi về sớm khi tôi đi chơi...
Năm nay tôi lại lớn thêm một chút, đồng nghĩa với việc bố mẹ tôi lại già đi một chút. Nhà tôi vốn ít người vì tôi là con gái duy nhất trong nhà, nay lại không có tôi chắc bố mẹ buồn lắm. Nhớ ngày trước, cứ mỗi dịp Tết đến, trong lòng lại háo hức lạ thường, những ngày cuối kì đi học thì tinh thần chả đặt trên bài vở gì cả, cứ mong ngóng sao được nghỉ tết để được đi chơi, được nhận lì xì, được ăn những món ăn tết, được ngủ dậy muộn,… Tết xa nhà có lẽ không còn là điều xa lạ với nhiều du học sinh. Tết năm nay tôi chả mong ước gì nhiều, chỉ mong bố mẹ thật nhiều sức khoẻ và bình an.
Tết nơi này, lạnh lắm mẹ ơi!
Xứ xa này, chẳng mừng năm mới.
Tay con với chỉ toàn chơi vơi,
Nẻo đường đời mình con đi tới.
Bố mẹ à! Năm nay con không về. Con lại không thể cùng mẹ dọn dẹp, cùng bố đi chọn cây đào, cùng gia đình nâng ly đêm gia thừa, đi chúc Tết họ hàng, đi chùa... Bố mẹ đừng buồn nhé. Con sẽ học tập tốt rồi sớm trở về. Con yêu bố mẹ!


Mai đào nở khắp nơi nhưng trong mắt con chúng không màu
Phố thị đèn kết hoa, chẳng nơi đâu bằng nhà ta...
Xuân nào là của con, của những ai không xa nhà 
Xuân chỉ là giấc mơ, giấc mơ được về nhà thôi.
(trích "Xuân không màu" -Tăng Nhật Tuệ)

Tác giả: Trần Diệu Hằng

2.12.16
Hello December 2016!
     Tháng 12 bắt đầu với những bản viôlông du dương bất tận. Và hàng cây trần trụi khoát lên mình lớp vỏ sần sùi tưởng như đã chết khô tự đời thuở nào. Bầu không khí trong veo của mùa đông lạnh giá dường như đang chững lại, cô đọng. Sau một chuỗi ngày dài u ám, những đám mây già cũng dần khuất núi, bỏ lại màu xanh thăm thẳm mà dìu dịu, nhẹ nhàng trên nền trời trống rỗng. Mọi vật đã thay màu áo mới. Chúng ướm lên mình bộ đồ đông trắng muốt của tuyết và gió. Chỉ có ngọn đồi nhỏ phía xa giữa lớp tuyết trắng phau phau vẫn còn lởm chởm một ít nâu nhạt của đất và sỏi. Thời tiết mùa này khiến mặt trời bỗng chốc trở nên tươi sáng và rực rỡ hơn nhiều.
     Tháng 12 đến kéo mặt trời ra xa. Ngày ngủ dậy muộn hoài và hoàng hôn cũng dần buông sớm. Mùa đông về, chẳng mấy chốc mà khiến cho con người ta thấy ì ạch như một con gấu lớn. Tháng cuối, dậy sớm thì mặt trời vẫn còn lẩn trốn ở đâu đó, nhìn ra ngoài thấy mờ mờ như cái màn hình tivi đen trắng hạt mè ngày mưa. Biết làm gì trong cái yên ắng của ngày mới khi hai thằng bạn vừa trở mình nhìn đồng hồ điện thoại đã lười biếng quay mặt vô tường – ngủ tiếp. Không dám mở đèn, chủ quán đành tự phục vụ cho vị khách đến sớm một cốc sôcôla nóng nhâm nhi chờ trời sáng.
     Đêm qua tuyết rơi nhiều, nhờ thế mà trời cũng ấm hẳn. Tình cờ mở cửa sổ lấy hộp sữa tươi mới phát hiện ra cả đội quân lớn đang hì hục “nghịch tuyết” dưới kia. Châm thêm nửa ly sữa tươi lạnh vào cốc sôcôla nóng giữa trời tuyết tháng 12 là sự kết hợp tuyệt vời để tạo nên một loại thức uống có mùi thơm thoang thoảng của cacao, vị béo dịu dàng của sữa tươi quyện với vị ngọt quyến rủ của cái lạnh giữa những giọt nóng nghi ngút. Chỉ thế thôi cũng đủ làm cho tâm trạng con người ta phấn chấn cả ngày.
     Thứ năm đến như một ngày cuối tuần tất bật của tiếng xẻng ồn ào cào mạnh vào lớp tuyết non, tiếng kim loại cồn cào kéo lê trên mặt đường nhựa và tiếng xà beng leng keng trong tay đám thanh niên đang cố phá tan lớp băng mỏng mới đóng. Tất cả bận rộn và hối hả như cảnh công trường trong ngày cuối năm. Sự tương phản trong ngoài đã chứng minh cánh cửa sổ cách âm thật sự đang làm rất tốt cái phận sự chia cách thế giới của mình. Chỉ cần vừa hé mở thôi là tất cả âm thanh của sự sống sinh động ngoài kia đã tràn vào mọi ngóc ngách, ngập đầy cả bốn bữa tường. Và hai giây tiếp theo, tiếng cót két quen thuộc đồng thời vang lên trên cả hai chiếc giường tầng bằng sắt cũ kĩ. Chẳng có bản nhạc chào đón ngày mới nào tuyệt vời hơn thế. Ba mươi giây sau, tất cả lại trở về sự im lặng vốn có của nó. Cửa sổ đóng và chút không khí trong lành lành lạnh trót lọt bắt đầu dịu dần xuống cho bằng với nhiệt độ phòng.

     Ngày nghỉ giữa tuần đôi lúc dễ làm cho con người ta sinh ra lười biếng. Ăn sáng, điểm danh và về phòng thưởng thức cái thảnh thơi hiếm có của một sáng thứ năm đem lại cảm giác gì đó rất xa lạ. Bật tab lên lật tiếp phần cuối của cuốn sách đang đọc dỡ và phát hiện ra vài điều hay ho: con người cảm thấy hứng thú một cách ngoan cố với những thứ không thể hoặc không nên có. “Bí mật của hạnh phúc không phải là làm điều bạn thích, mà là thích những điều bạn làm”. Và thêm một câu nói của Aristotle: “Hạnh phúc phụ thuộc vào bản thân ta”. Vậy chắc là đã đủ năng lượng cho một ngày đầu tháng cuối năm của năm cuối rồi.
Ảnh mùa đông của một năm nào đó nhưng chắc không phải là của tháng 12.

Tác giả: Huỳnh Kim Khánh

Với du học sinh như chúng ta, mục tiêu hàng đầu là học tập. Nhưng đôi lúc ta quên đi mục tiêu thiết yếu đó, quên đi động lực để ta cố gắng hơn nữa. Chắc hẳn bản thân ta đã cảm thấy “đủ”, “đủ” là không cần làm thêm, “đủ” là đã thỏa mãn bản thân, “đủ” là dừng lại, “đủ” là đủ. Dậm chân tại chỗ so với bản thân là bước so với nhân loại!
Sau đây là một mẩu chuyện nhỏ tôi đọc được trong một cuốn sách rất tuyệt vời. Đây là mẩu chuyện tôi thích nhất! Nó giúp ta xem xét lại bản thân mình, nó cho ta thấy từ “đủ” trong mỗi cá nhân chúng ta có thực sự đủ chưa, nó thôi thúc ta phải làm nhiều việc hơn nữa, nó giúp ta hiểu hơn về hai chữ động lực

Chuyện ở West Point

Ở Mỹ, đi xin việc làm, nếu vào thấy có ứng viên tốt nghiệp trường West Point cùng tham gia dự tuyển thì thôi coi như mình cầm chắc suất rớt, đi về cho nhanh, khỏi phỏng vấn nữa. Rất đông các CEO, các sếp lớn của các tập đoàn ở Mỹ đều tốt nghiệp trường West Point chứ không phải là Harvard hay Standford, hay Yale...Ở Mỹ nghe ai nói tôi từng học ở West Point, người ta cũng nhìn mình từ trên xuống dưới, như một thực thể lạ, một con người hoàn hảo. Không xếp hạng được vì không có tiêu chuẩn nào xếp hạng được nó.
 Vậy West Point (WP) là trường gì? Đó chính là học viện quân sự Hoa Kỳ. Điều khá lạ là mặc dù là học viện quân sự, nhưng lại cung cấp các quản trị cao cấp cho nền kinh tế Mỹ và thế giới. Sau 5 năm bắt buộc phải phục vụ trong quân đội, rất đông các bạn rời bỏ binh nghiệp, học thêm Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) rồi đi làm cho các tập đoàn. Rồi thăng tiến rất nhanh. Ở West Point, có một khẩu hiệu là: “Cứ đưa cho tôi một người không phải tâm thần, tôi đều có thể đào tạo thành một công dân ưu tú.” 
Mỗi năm WP chỉ tuyển khoảng 1300 bạn. Và trong 4 năm học, bắt buộc phải loại thải 10%. Tức năm cuối chỉ còn dưới 1000 bạn ra trường. Chương trình học từ thiên văn vũ trụ đến cách bắt tay, cách uống rượu vẫn tỉnh táo, cách gấp mùng mền chiếu gối đến tranh luận các tác phẩm của Victor Hugo, để ai cũng trên thông thiên văn, dưới tường địa chất, giữa thấu nhân tâm. Tony quen với anh bạn, tốt nghiệp trường WP và đang làm sếp một công ty đa quốc gia ở Singapore, mỗi lần gặp, anh kể về trường WP với một thái độ tự hào, mình nghe mà say mê, chiếc nhẫn biểu tượng của cựu sinh viên WP trên tay anh lấp lánh. 
 Anh kể, sinh viên vừa vào trường đã phải bị khủng bố tinh thần. Quan niệm là trụng nước sôi 100 độ rồi đem qua trụng nước đá. Nên sau này, dù có sự cố gì trong đời, họ cũng cảm thấy bình thường, chẳng xi nhê gì. Đầu tiên là họ nhốt sinh viên từng tốp vào trong phòng, sau đó 2 giờ sau thì thả ra, yêu cầu trả lời các câu hỏi như có bao nhiêu bóng đèn trong phòng, bàn ghế màu gì, lúc vào mấy giờ mấy phút, lúc ra mấy giờ mấy phút, người ngồi bên trái bạn có đeo đồng hồ không, người bên phải tên gì....Trả lời không được là tự động cuốn gói về nhà. Bài học đầu tiên về óc quan sát, cái quan trọng nhất của một nhà quản trị tài ba. Và n bài học tương tự như vậy. Sau này, anh đem các bài học này chế biến lại thành tài liệu dạy sinh viên các đại học khác hay nhân viên thực tập cho tập đoàn, cứ một đứa "đoạt giải nhất ngáo ngơ toàn quốc" vào mà chịu học, 6 tháng sau thì lột xác thành một người mới hoàn toàn, thành Steve Job luôn. Cái Tony xin tài liệu của anh, đem về Việt Nam dịch, áp dụng cho hãng của mình và đang biên tập lại cho “câu lạc bộ con dượng”.
Rõ ràng dấu ấn đào tạo rất quan trọng với người trẻ. Nếu chịu khó và có phương pháp đào tạo đúng, ngây ngô ngáo ngơ vẫn trở thành xuất sắc, vì chúng ta giỏi lắm chỉ sử dụng có 1/10 khả năng của bộ não. Trở lại học viện WP lừng danh bên bờ sông Hudson, cách không xa New York, đây là ước mơ của mọi ông bố khi có đứa con trai ra đời, và muốn nó “đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”. Đào tạo trở thành công dân có ích, giỏi giang, để thoả chí tang bồng hồ thỉ, vùng vẫy giữa đất trời. Khi 18-30 tuổi, trong lúc đám ngây ngô kia đốt tuổi trẻ trong các quán bar, các quán cà phê, vũ trường, rũ rượi xoã tóc đi ra đi vô vì không biết làm gì, suốt ngày chat chit nhăng cuội, ngủ nhiều hơn học và làm nên đầu óc u u mê mê, nông cạn, cái gì cũng làm biếng, cũng lười…thì các bạn này đã phải vất vả đầu tư trí lực và thể lực. Thư viện WP mở 24/24, ở đó người ta thấy những cái đầu cắm cúi ghi ghi chép chép, những cuốn sách dày cộm phải đọc xong trong một vài ngày. Đọc nhanh và rất nhanh, để sau này đi làm, giấy tờ công văn, đọc nhoay nhoáy để phúc đáp, chứ thể loại thấy chữ nhiều đọc nhức mắt, thì thôi khỏi tuyển dụng. Nó đánh vần 1 công văn đọc xong mất hết cả ngày, năng suất lao động sẽ kém. Trí thức là phải đọc nhanh để làm việc giỏi, mà muốn đọc nhanh thì phải tập luyện.
Tony chăm chú nghe anh kể lại chuyện học trong trường. Kỹ năng thuyết trình, thuyết pháp sao cho người khác nghe mà rụng rời tay chân cũng nằm trong chương trình học. Những bức tường ở WP luôn đông nghẹt học viên đứng nhìn vào đó, tập nói với bức tường, thu âm, nghe đi nghe lại, nói đi nói lại sao cho hay mới thôi. Dưới trời tuyết lạnh khủng khiếp, họ phải lăn lê bò trườn để tập thể lực. Cứ đúng 5 giờ sáng là kẻng đánh thức dậy, dù mùa hè hay mùa đông. Họ buộc phải tập thể lực bằng các bài tập cường độ nặng của vận động viên nhà nghề. Tập bơi, đứng nước mấy tiếng đồng hồ, ai đuối quá thì vớt lên, coi như rớt. Rồi tập vượt mọi địa hình. Rèn luyện thể lực sao cho mọi điều kiện thời tiết đều phải thích nghi, nóng 45 độ ở châu Phi hay âm 20 độ ở Alaska đều chịu được.
Anh nói, vô WP, kỹ năng tồn tại và óc sáng tạo được chú ý đào tạo kỹ. Những lần trong đêm tối, họ bị thả giữa rừng, và tìm cách về lại trường bằng mọi khả năng có thể, nhìn các vì sao trên trời đoán hướng, tìm thức ăn, dựng lều. Kiến thức lãnh đạo phải có và nhớ vanh vách. Và có khi đang ngủ say giấc, 2 giờ sáng bị đánh thức dậy để kiểm tra , với các câu hỏi như 10 vị tướng giỏi nhất mọi thời đại là ai, tướng Trần Hưng Đạo viết Binh Thư Yếu Lược với nội dung chính là gì, nếu bạn là Napoleon, bạn sẽ viết lại lịch sử của Waterloo như thế nào v.v….Không trả lời được, phải đứng ngoài hành lang cả đêm để suy nghĩ, lên thư viện tự tìm tài liệu ngồi nghiên cứu, coi như nợ câu trả lời. Đào tạo để mỗi WPer có được dáng vóc của một người mẫu, sức khoẻ của một vận động viên Olympic, trí tuệ của một học giả, ăn nói như một thuyết gia, cư xử như một chuyên gia tâm lý.
Khi về già, họ thành lập các hội cựu sinh viên WPer alumni, đi câu cá bên bờ biển Ca-ri-bê, đi ngắm hoàng hôn ở Bali, thong dong tự tại, phong lưu tuyệt đỉnh, vì ai cũng có một tuổi trẻ học và làm như điên. Còn có những người đàn ông trên đời, về già rồi, mà vẫn cứ vật lộn mưu sinh, xin tiền vợ, xin tiền con cái, thì cũng có thể họ kém may mắn, nhưng cũng có thể họ đã lãng phí tuổi trẻ một cách vô bổ trong các trò trai gái, ăn chơi đàn đúm, xài tiền của cha mẹ, hay đơn giản là lười nhớt thây. Làm biếng thì sau này phải khổ, thế thôi. Trách ai.
Nếu bạn nhìn các học viên WP đánh đàn, nhảy, khiêu vũ, võ thuật, hát, ảo thuật, thám hiểm, vẽ…hay thậm chí tỉ mỉ ngồi cắt tỉa giấy để rèn luyện đôi tay khéo léo, bạn sẽ thấy mình sẽ phải cố gắng nhiều. Một ngày chỉ có 24 tiếng, là công bằng cho tất cả mọi người. Chúng ta phải ngủ 6-8 tiếng, tức 1/3 cuộc đời là cho việc ngủ, nên ai cũng chỉ còn 16 giờ trong ngày. Nên phải chia ra, làm gì, học gì trong quỹ thời gian ít ỏi đó. Một WPer nếu sáng sớm không nộp được bảng mô tả công việc trong ngày (daily to-do list) cho bạn trưởng nhóm, thì coi như nắm chắc suất cuốn gói về quê. Không có chuyện ngủ dậy và ngày đó không biết mình phải làm gì.
Sinh viên người Việt ở West Point khá đông, nhưng đều là Việt kiều, nữ nhiều hơn nam. Du học sinh quốc tế ở WP một năm chỉ vài ba chục bạn, vì đầu vào khó quá. Cambodia có một vị tướng trẻ ba mươi mấy tuổi cũng tốt nghiệp trường này. Bạn mà nhìn thấy cậu này, không mê thì thôi. Đẹp ngời ngời từ ngoại quan đến nhân cách, mạnh mẽ nam tính và thông tuệ, quý phái từ cốt cách đến tinh thần, một nụ cười cũng chứa sự bao dung như trời đất, thật là không có gì có thể so sánh nổi. Sự cố tranh chấp đền Preah Vihear với Thái Lan, hai bên quyết không bên nào chịu nhường bên nào, thậm chí đã vang lên tiếng súng. Trước tình hình cấp bách đó, anh nhận nhiệm vụ của tổ quốc và lên đường đi đàm phán với người Thái. Và chỉ với ánh mắt ấm áp và vài câu nói sắc sảo theo phong cách West Point, bên Thái Lan đã phải rút quân. Và thái bình đã trở về trên quê hương Chùa Tháp…

(Sưu tầm  “Tony buổi sáng – Cà phê cùng Tony”)

Đời người như chiếc đồng hồ cát, tối đa 100 năm, một ngày sống là một ngày mình càng gần cái chết, mắc mớ gì mình lành lạnh chân tay, biết đọc, biết viết mà sáng ngủ dậy, rồi ăn, rồi ngủ, rồi hết ngày, uổng vậy. Thế nên hãy thức tỉnh đi! Hãy hành động ngay! Thay đổi bản thân để mình trở thành những công dân ưu tú. Thay đổi cuộc sống dễ dãi nhàm chán hàng ngày, tìm những khó khăn thử thách để tôi rèn bản thân, để sau này không phải hối tiếc những việc mình đã bỏ thời gian ra làm!
Hỡi những người anh em của tôi ơi! Chúng ta hãy hành động thôi!

Người viết và sưu tầm: Huỳnh Anh Bảo


”Chúng tôi, Quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc:
Hy sinh tất cả vì tổ quốc Việt Nam; dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.”

Đó chỉ là 1 trong 10 lời thề của người chiến sĩ cách mạng. Giờ đây tuy không còn đứng trong hàng ngũ những người lính bộ độ cụ Hồ nhưng sao tôi vẫn thấy có cái gì đó thiêng liêng, khí phách mỗi khi nhớ lại từng lời thề đó.

Nhân kỉ niệm 71 năm ngày thành lập Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2015), xin gửi tới tất cả mọi người đã và đang là những người Lính lời chúc sức khỏe và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao phó.


22/12 không chỉ đơn thuần là một ngày kỉ niệm mà còn là một ngày để những người bộ đội Cụ Hồ tự hào khi được đứng trong hàng ngũ những người mang trong mình lý tưởng Cách mạng, sống trong một môi trường mà luôn luôn phải đoàn kết gắn bó, tình đồng chí, đồng đội. Một ngày để chúng ta tìm về với những trang sử hào hùng của cha ông thủa trước để chúng ta tự hào, hãnh diện.

Tôi đã từng là một người lính Hải quân. Mỗi lần đến ngày 22/12 chúng tôi lại được gặp gỡ và trò chuyện với các thế hệ cha anh đi trước. Hiểu được điều đó chúng tôi càng thêm tự hào và khâm phục họ, vượt qua gian khổ, hi sinh mất mát để đổi lấy bình yên cho đất nước. Điều đó càng giúp chúng tôi chắc tay súng trong những buổi đêm đứng gác, luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.


Nhắc về ngày 22/12 với tôi cũng rất nhiều kỉ niệm. Cùng đồng đội liên hoan chỉ với đôi gói bim bim và vài chai nước ngọt. Là một ngày để chúng tôi được ăn ngon hơn (gấp đôi ngày bình thường). Một ngày để anh em ngồi lại trò chuyện nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn về gia đình, cuộc sống,  về con đường phía trước.


Thế rồi tôi dời xa quân ngũ để trở lại với con đường học hành còn đang dang dở. Và rồi tôi đến học tập tại nước bạn Nga. Tôi đã rất bất ngờ khi môi trường học tập ấy là “bán quân sự.” Lại là môi trường ấy: “Kỉ Luật là sức mạnh của quân đội”.Thế là một lần nữa tôi được trở về là một người Lính đúng nghĩa. Sống cùng đồng chí, đồng đội, giúp đỡ nhau trong học tập, sinh hoạt. Luôn luôn đề cao tinh thần “một người vì mọi người, mọi người vì một người”.

Có một anh chính trị viên đã nói với tôi : “ Súng không lau lâu ngày súng gỉ. Người không rèn ý chí không cao”. Tôi luôn luôn nhớ câu nói đó và cho dù ở đâu cũng xem nó như một lời nhắc bản thân phải luôn luôn phải rèn luyện, giữ vững phẩm chất đạo đức từng có của một anh Bộ đội Cụ hồ.

Đoàn Mạnh Giỏi


Tiếng Nga – một trong những thứ tiếng khó nhất trên thế giới, nỗi ám ảnh của khá nhiều người, tất nhiên là có bao gồm tôi trong đó.

Với một thằng 12 năm cắp sách đi học chỉ biết đến tiếng Anh, hơn chục năm xem phim Tàu biết thêm được vài chữ Trung Quốc và cao siêu lắm là nói được câu “I love you” bằng 5 thứ tiếng thì…. đùng một cái sang Nga học chính xác là một thảm họa.

Không thể phủ nhận trước đây tôi khá là “không thích” học ngoại ngữ, cái vòng luẩn quẩn không thích -> ít học -> học kém -> không thích ->… như kiểu cảm nắng mình, bám mãi không buông. Nhưng biết làm sao được, cần thiết mà, phải tự bắt mình học thôi.

Thời xưa của ông bà, bố mẹ, thời thống trị của tiếng Nga và tiếng Pháp thì chịu, xa quá rồi ko ai nhớ nổi. Còn thì từ lúc bắt đầu có nhận thức, suy nghĩ thì nhà nhà tiếng Anh, người người tiếng Anh, con nít lớp 1 đang đồ từng nét chữ cũng học tiếng Anh tuốt. Hồi đó đứa nào mà chào “hello” 1 cách thành thạo, bài khóa mà đọc thêm được âm gió cho nhiều, nghe có vẻ chuyên nghiệp là đã đủ tiêu chuẩn thành “con nhà người ta” rồi.

Đến giờ thì tiếng Anh đã như là 1 cái cần tất yếu, 1 thứ hiển nhiên. Mọi người lại bắt đầu học thêm nhiều thứ tiếng khác, Trung, Nhật, Pháp… Họ học tiếng vì khao khát với đất nước đó, niềm khát khao được đến 1 chân trời mới, 1 nơi nào đó khác… không giống Việt Nam. Tôi cũng có nhiều đứa bạn vì đam mê nhạc Hàn, văn hóa Hàn nên quyết tâm học tiếng, có đứa mà trên tường facebook cá nhân của nó hình ảnh chia sẻ chỉ toàn về Paris, hoặc có đứa chỉ đơn giản là xem phim Tàu quá nhiều nên nói được tiếng Trung bập bõm…

Còn tôi? đến với tiếng Nga khá tình cờ, và thích tiếng Nga cũng thật là ngẫu nhiên. Tiếng Nga khó, đúng, rất khó, quá khó là đằng khác. Thời gian đầu như đứa trẻ tập tô, vẽ từng nét chữ, vâng, là vẽ. Cái chữ Nga nó ko theo hệ chữ latinh như tiếng Anh, tiếng Việt, nó ngoằn ngoèo, rối rắm. Ngữ pháp thì đúng là kinh khủng, 3 giống, 6 cách, 3 thì, rồi còn ti tỉ những thứ chả đâu vào đâu. Ai học tiếng Nga rồi thì cũng sẽ có lúc muốn vứt hết sách vở mà hét lên, cái gì thế này, cóc thèm học nữa. Nhưng rồi đến lúc tự nhiên bạn sẽ lại thích nó, vô tình nó đã trở thành một phần trong cái cuộc sống đã lắm thứ hỗn độn, không đầu không cuối của bạn mất rồi. Tiếng Nga tự nó có sức phát triển vô cùng mạnh, từ 1 từ nó có thể biến ra thành một hỗn hợp từ khác nhau cùng 1 gốc nghĩa, không như tiếng Trung, học chữ nào nhớ chữ đó, không thì đành bó tay. Nó phát triển, nó lớn lên và tồn tại như chính con người Nga vậy, đâu phải ngẫu nhiên mà họ được gọi là  “những chú gấu Nga”.

Tôi có thể tạm chia quá trình học tiếng Nga của tôi, mà chắc cũng của nhiều người thành mấy giai đoạn sau:
-         Giai đoạn “ranh con háo hức”: giai đoạn này mới tiếp xúc với tiếng, thấy cái gì cũng lạ, cũng hay ho, quan trọng là nó dễ. Học đi học lại có chào hỏi, xin lỗi, cảm ơn với bảng chữ cái. Thấy mình thật là giỏi, gì chứ tiếng Nga cũng muỗi.
-         Giai đoạn “trẻ trâu phẫn nộ”: đây là lúc mà sách vở có nguy cơ bị xé nát, đốt bỏ nhiều nhất. Bắt đầu gặp những cái khó đầu tiên, ngữ pháp và từ mới chất cao như núi. Không hiểu 1 cái cóc khô gì luôn. Sợ hãi, chán nản.
-         Giai đoạn “bắt đầu lớn khôn”: lúc này bắt đầu hiểu luật chơi, bắt đầu nắm được những cái cơ bản, cốt lõi nhất, đã có thể tự ngấm dần dần.
-         Giai đoạn “bố đời mẹ thiên hạ”: cái này thì trừ khi có khả năng thiên bẩm hoặc không thì phải chăm chỉ tích lũy hàng ngày, hàng giờ, tầm ngoại ngữ có thể giỏi hơn cả người bản xứ. Mong là vài chục năm nữa mon men đến được cái mốc này. Mà chắc là không đâu, vì thực tế thì cũng đâu có cần thiết lắm.

Tôi được may mắn sang đây học, may mắn đến thành phố này, cái nơi mà khoảng cách giữa người với người nó vẫn còn rất gần nhau, dám chắc với bạn là ở Moscow hay các thành phố lớn khác không được như thế đâu. Với đặc thù là thành phố cảng lớn, dân nhập cư nhiều, cái nhìn của người Nga đối với người nước ngoài không quá khắt khe, đặc biệt là với người Việt Nam. Bạn có thể bắt gặp trong thành phố những cựu chiến binh đã từng chiến đấu ở Việt Nam, những người mà dù bàn tay họ không còn nguyên vẹn vì bom đạn chiến tranh cũng sẵn sàng dành cho bạn những cái siết tay thật chặt, ấm lòng. Đấy, tôi yêu thành phố Vladivostok vì những điều nhỏ nhặt, ấm áp, yên bình như thế. Sẽ có 1 lần nào đó, tôi sẽ kể cho bạn nghe về thành phố này, thành phố mà tôi đang sống, thành phố đang nuôi dưỡng tôi. Nhưng tất nhiên, nó sẽ trong khoảng thời gian khác, trong bài viết khác với  một tôi chắc lúc đó cũng đã khác. Yêu và gắn bó với nơi đây, tôi lại càng quý trọng tiếng Nga, nó sẽ là chìa khóa cho tất cả, nó không thể mở những cánh cửa thông thường, nhưng nó có thể mở được những trái tim…


Người viết: Ngô Quang Hưng.


(Bài thơ mang tính chất giải trí , mọi người đọc cho vui )

Rời  Việt Nam đi xa
Mỗi người đi một ngả
Nhưng anh em chúng ta
Lại tụ nơi đất lạ

Từ chí Bắc vào Nam
Chúng ta chung một nghề
Chia ra lái, máy ,điện
Tựu tề tại MSUN

Đại học hàng hải đó
Mang tên NHE-VEN-SCÔI
Đã bao thế hệ rồi
Ôi ngôi trường lịch sử

Từ một tám chín mươi
Một trăm hai lăm tuổi
Bao thế hệ thuyền trưởng
Đào tạo ở nơi đây

Mỗi học viên hàng ngày
Sáng phải dậy sớm chạy
Chiều đi đều cho hay
Tối lại phải lo cày

Anh em chúng tôi đây
Ngày học ba, bốn tiết
Cơm ăn ngày ba bữa
Bụng luôn luôn căng đầy

Thu thì đi quét lá
Đông thì cầm xẻng ra
Hốt hết đám tuyết lạ
Rồi mới được về nhà

Phòng có bốn cái giường
Thêm được bàn hai cái
Bốn cái ghế chung quanh
Vừa đủ để học bài

Cuộc sống tuy hơi khổ
Nhưng luôn có anh em
Nguồn động viên to lớn
Vượt qua mọi đêm đen

Sau 5 năm đi học
Mong anh em đừng quên
Trường MSUN thuở ấy
Nơi có những cô thầy

Họ luôn luôn cố gắng
Truyền đạt hết kinh nghiệm
Mặt có vẻ rất nghiêm
Nhưng tấm lòng dung hậu

Cuộc đời lính là thế
Khó thể tả thế nào
Nếu muốn biết thế sao

Mời mọi người sang học .



Tác giả: Nguyễn Hải Khánh.




Không phải sinh viên nào trước khi sang Nga cũng nghĩ rằng, mình sẽ học tập và rèn luyện như một người “lính” trong những năm đại học ở xứ sở Bạch dương. Đó có lẽ là lý do tại sao chúng tôi, những học viên trường ĐH Hàng hải quốc gia TP.Vladivostok (MSUN) luôn cảm thấy tự hào vì mình có cơ hội trải nghiệm cuộc sống của một học viên quân sự kiểu Nga, nhưng đôi lúc cũng có cảm giác “thiệt thòi” so với bạn bè, nhất là vào những ngày mưa, gió, tuyết…

Trường ĐH Hàng hải tp.Vladivostok được thành lập cách đây hơn 100 năm với bề dày lịch sử và truyền thống lâu đời, đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc bảo vệ lãnh thổ, phát triển kinh tế vùng Viễn Đông nói chung và tp.Vladivostok nói riêng. Với hơn một thế kỷ tồn tại, cùng các thế hệ giảng viên dày dạn kinh nghiệm, hằng năm Trường ĐH Hàng hải đã đào tạo được hàng trăm kỹ sư, sỹ quan, chuyên gia hàng hải, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho ngành kinh tế hàng hải phát triển.

Đến với trường ĐH Hàng hải quốc gia TP.Vladivostok, chúng ta có thể thấy rõ những nét Xô Viết cổ kính còn hiện diện ở khắp nơi, từ cảnh vật, tòa nhà, phòng học đến tình cảm và cách dạy dỗ của các thầy cô. Đặc biệt hơn, chế độ sinh hoạt, rèn luyện và học tập của các học viên vẫn được duy trì theo kiểu bán quân sự, là một nét rất đặc trưng của trường.

Được tổ chức một cách chặt chẽ và điều chỉnh qua thời gian, hệ thống bán quân sự là môi trường thuận lợi để rèn luyện tính kỹ luật, tinh thần tập thể và tình đồng chí cho các học viên. Trường có ba khoa chính được đào tạo theo kiểu bán quân sự : Khoa Điều khiển tàu biển, Khoa Vận hành máy tàu biển và Khoa Hệ thống điện tàu thủy. Mỗi khóa của từng khoa được chia thành các đại đội khoảng hơn 100 người, mỗi khoa có 5 đại đội tương ứng với 5 năm đào tạo.

Các học viên hàng hải chúng tôi được cấp đồng phục theo từng mùa, ăn tại căng tin của trường và sống tập trung theo từng tầng, từng kí túc xá theo quy định, dưới sự chỉ huy của một sỹ quan chủ nhiệm. Đây chính là người “có quyền sinh sát “ trong đại đội, ngoài ra còn có đại đội trưởng và các tiểu đội trưởng cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hằng ngày của các học viên.

Một ngày của chúng tôi bắt đầu bằng hồi chuông reo dai dẳng, đánh thức cả đại đội bắt tay vào thực hiện thời gian biểu đã quy định. Đầu tiên là nhanh chóng mặc đồng phục, tập trung chạy bộ, tập thể dục buổi sáng, tiếp sau theo sự phân công, một vài tiểu đội có nhiệm vụ quét dọn sân trường, nếu trời tuyết thì cùng nhau hì hục quét, xúc, cào, kéo… tuyết để đảm bảo việc đi lại thông suốt.

Sau màn khởi động tỉnh ngủ đầu tiên, mọi người có một ít thời gian làm vệ sinh cá nhân, xếp chăn, dọn phòng ngăn nắp sạch sẽ. Đúng 08h00 các đại đội tập trung tại sân chính để đi ăn sáng.

Bữa sáng thường được chuẩn bị và dọn sẵn theo từng bàn, đối với các khóa năm 3, năm 4, năm 5 học viên xếp hàng để nhận phần ăn của mình. Thông thường chúng tôi có món cháo mạch nấu với sữa, món trứng am-let, khoai tây cá muối, lúa mạch ăn cùng xúc xích hoặc bánh kiểu Nga ăn kèm với sữa đặc hoặc kem chua ... Nói chung các món ăn được thay đổi theo từng ngày trong tuần. Ngay từ tên gọi đến mùi vị đều rất lạ, nên tất cả học viên chúng tôi đều hiểu rõ thế nào là nổi nhớ cơm mẹ nấu.

Sau bữa sáng, các học viên tập trung tại sân trường để làm thủ tục điểm danh, kiểm tra đồng phục, tác phong và nghi thức chào cờ. Nhiệm vụ trong ngày sẽ được “Tổng chỉ huy” truyền đạt trực tiếp trước toàn thể học viên, thường kèm theo là những lời phê bình, kiểm điểm.

Khi tiếng nhạc hùng tráng cất lên chính là lúс cuộc diễu hành buổi sáng được bắt đầu. Mỗi bước chân đều theo nhịp trống, mạnh mẽ, uy nghiêm. Trong tiếng nhạc hùng tráng ấy, dường như có một sức mạnh to lớn nào đó đang trào dâng trong lòng các học viên chúng tôi. Đó là những giai điệu anh hùng của một thời máu lửa chiến tranh mà giờ đây đang được gìn giữ và kế thừa bởi thế hệ “những người lính trẻ”. Đối với riêng tôi, đây là màn khởi động tinh thần diệu kỳ và rất mãnh liệt, khiến cho tâm trạng ai nấy đều phấn khởi, ngập tràn niềm tự hào và niềm tin bắt đầu một ngày mới đầy sức sống. Dưới những tia nắng long lanh của buổi bình minh, chúng tôi rảo bước đến giảng đường, bên tai vẫn còn ngân vang nhịp trống.

Ba tiết học buổi sáng kéo dài đến tận 14h. Bước ra khỏi phòng, tất cả học viên phải nhanh chóng di chuyển đến nhà ăn để được tiếp năng lượng kịp thời. Nhà ăn buổi trưa có vẻ đông đúc và ồn ào hơn. Bánh mỳ bơ, trà hay nước trái cây truyền thống, salat, súp và thêm một món chính giúp dạ dày của chúng tôi không còn “than vãn” nữa. Một điều khác biệt ở các món Nga là thức ăn rất mềm, giàu dinh dưỡng, ít rau củ quả vì thế cơ thể rất dễ hấp thu. Người Nga không ăn cay, nấu hơi nhạt, họ ăn bánh mỳ mỗi bữa giống như cơm của người Việt. Sau bữa trưa, các đại đội tập trung để thực hiện kế hoạch của buổi chiều, các nhóm có tiết 4, tiết 5 thì đến lớp, các nhóm đến lịch thì đi lao động, trực nhật, tập đội hình đội ngũ…Thời tiết Vladivostok vào đông lạnh và khô, bầu trời trắng bạch, ảm đạm. Đứng ngoài trời chịu cái lạnh âm độ, lâu lâu hứng thêm mấy cơn gió bất khiến ai nấy đều tê tái, lạnh buốt từ đầu đến chân.

Một ngày của học viên hàng hải trôi qua nhanh chóng. Khi trời vừa sẫm tối, thấp thoáng trên sân trường bóng các học viên tập trung cho bữa tối. Ngay sau bữa ăn, một số đại đội có chương trình tự học bắt buộc, tất cả học viên phải đến giảng đường để hoàn thành bài vở của mình. Các học viên thuộc các đại đội khác, thường dành thời gian đến các lớp ngoài giờ của các giáo viên để xin hướng dẫn làm bài tập khóa, hỏi những vấn đề còn thắc mắc... Bên cạnh việc học, buổi chiều là thời gian các học viên dành cho việc rèn luyện sức khỏe, chơi các môn thể thao yêu thích hay tham gia vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật do nhà trường tổ chức.

Phải nói thêm rằng, để đảm bảo sự hoạt động thông suốt của cả hệ thống, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu hằng ngày của các học viên tại nhà ăn, lớp học, trong đại đội… mỗi ngày có hơn 50 học viên được phân công vào các ca trực khác nhau. Nhiệm vụ của họ là: đứng gác ở đại đội, trong các tòa nhà chính, đảm bảo giữ gìn vệ sinh, tránh mất mác tài sản và theo dõi báo động cháy nổ; làm việc tại nhà bếp, bốc xếp hàng hóa, thực phẩm, phụ giúp sơ chế nguyên liệu; làm việc tại nhà ăn, dọn thức ăn theo từng phần, rữa chén bát, lau dọn bàn ghế; tuần tra trong khuân viên trường, đảm bảo vệ sinh sân trường,... Đó là những công việc giúp các học viên rèn luyện tinh thần trách nhiệm, làm quen dần với môi trường làm việc khắc nghiệt trên biển, học hỏi thêm được nhiều kỹ năng mới.

Dù là mùa đông hay mùa hè, dù ngày thường hay lễ tết, những học viên Trường ĐH hàng hải luôn nhớ một mốc thời gian cố định trong ngày phải có mặt tại đại đội, đó là giờ điểm danh tối lúc 22h. Sau điểm danh, các học viên có thêm một ít thời gian làm những việc cá nhân, chuẩn bị đến giờ đi ngủ.

23h, một hồi chuông dài vang lên, không khác mấy so với tiếng chuông báo thức buổi sáng, nhưng tất cả đều vui vẻ đón nhận và chúc nhau có môt giấc ngủ ngon trước khi hồi chuông tiếp theo vang lên vào sáng sớm ngày hôm sau.

Có thể nói rằng, cuộc sống thường ngày của học viên hàng hải chúng tôi gắn liền với những hồi chuông báo hiệu, âm vang có lúc to, lúc nhỏ, lúc trầm lúc bổng, nhưng dường như đã trở thành một thứ gì đó không thể tách rời, gần gủi và khó quên. Một cuộc sống học tập nhiều thử thách giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Tình đồng chí, đồng đội và cả tình cảm nồng hậu của những người bạn Nga dành cho chúng tôi, những người con xa tổ quốc, rực sáng lên như ánh lửa sưởi ấm tâm hồn qua mùa đông băng giá.

Bầu trời Vladivostok một sớm mùa đông.

Sân trường một màu tuyết trắng.

Đứng gác.

Tuyết cứ rơi và đoàn người cứ quét.

Cảnh diễu hành của học viên trường.

Bài viết nhằm cổ vũ cuộc thi do BBT tổ chức, vừa là lời giới thiệu ngắn gọn cho những ai quan tâm muốn tìm hiểu cuộc sống của học viên Trường ĐH hàng hải, vừa là lời nhắn gửi đến các bạn sinh viên mới. Chào mừng tất cả mọi người đã đến với gia đình “Em Ghê U”.

Người viết: Huỳnh Kim Khánh.

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.