Các bước lập kế hoạch hải trình trên ECDIS

14.10.17
LẬP KẾ HOẠCH HẢI TRÌNH TRÊN ECDIS
Thuyền trưởng Tiếu Văn Kinh
I. CÁC BƯỚC LẬP KẾ HOẠCH HẢI TRÌNH TRÊN ECDIS
Về cơ bản giống như trên hải đồ giấy, lập kế hoạch hành trình trên hải đồ điện tử cũng gồm các bước Đánh giá, Hoạch định, Thực hiện và giám sát (Appraisal, Planning, Execution and monitoring). Trên nền tảng kiến thức lập kế hoạch hành trình trên hải đồ giấy của sĨ quan hàng hải, ở đây chỉ đề cập đến vài yếu tố cốt lỏi khi khi lập kế hoạch hải trình trên hải đồ điện tử.

1) ĐÁNH GIÁ ( Apraisal)
Để chuẩn bị cho lập kế hoạch hành trình, sỹ quan hàng hải phải cân nhắc và xem xét nhiều yếu tố bao gồm những điểm sau đây:
• Nhận mệnh lệnh từ thuyền trưởng về chuyến đi;
• Tập hợp và tham khảo tất cả thông tin từ các ấn phẩm tài liệu có liên quan đến an toàn hàng hải: Pilot books, Sailing Derection, Distance Table, Ocean Passages, Ship’s Routeing, Tide Tables, Tidal streams…
• chọn hải đồ điện tử có thước tỷ lệ thích hợp
• Xem xét đặc điểm của tuyến đường, các chướng ngại hàng hải, các khu vực mục tiêu nguy hiểm trên hải đồ (đá ngầm, vùng nước cạn, dàn khoan dầu khí ...), khu vực có khả năng tầm nhìn xa hạn chế, các khu vực phân luồng lưu thông, các khu vực tàu thuyền mật độ cao...
• Các quy định của từng địa phương bao gồm dịch vụ lưu thông tàu thuyền (Vessel Traffic Services -VTS), dịch vụ tàu lai hộ tống hoặc tàu lai hỗ trợ, dịch vụ hoa tiêu …
• Xem xét mớn nước, sụt lái, chân hoa tiêu UKC cho phép, thực phẩm, nước ngọt, nhiên liệu của tàu, hàng hóa trên tàu, tốc độ tàu ...
• Dự báo thời tiết, dòng chảy, thủy triều, gió, sóng ngầm dọc tuyến hành trình …
• Dự tính ETD, ETA;
• Xem xét các mục lục hải đồ kỹ thuật số (Digital chart catalogue), email từ các nhà phân phối, đã cập nhật ENC;
• Xem xét loại hải đồ điện tử ENC và RNC sử dụng cho chuyến đi;
• Thước tỷ lệ hải đồ phù hợp;
• Xác định khu vực mà ECDIS hoạt động theo thể thức RCDS, xác định bộ hải đồ giấy tương ứng với khu vực hoạt động theo thể thức RCDS; đã được hiệu chỉnh;
• Xác định các yêu cầu theo địa phương ven bờ các quốc gia mà ở đó cần có các ấn phẩm phụ hoặc các hải đồ khu vực. Các thông tin này có thể tham khảo website của IHO: www.iho-ohi.net/english/home
• Kiểm tra hải đồ điện tử đã được cập nhật theo phiên bản mới nhất và đã mua bản quyền của hải đồ (chart permit licences)
• Sau khi cập nhật hải đồ, kiểm tra bằng cách so sánh đường đi theo kế hoạch hành trình các chuyến trước (nếu sử dụng lại) để đảm bảo các mối nguy mới không mang lại rủi ro cho tàu;
• Chỉnh sửa kế hoạch hành trình nếu thấy cần để điều tiết thích hợp các đặc trưng trên hải đồ như hệ thống báo cáo, phân luồng lưu thông (TSS), các chướng ngại tách biệt …;
• Khi lập kế hoạch hành trình với các điểm hẹn và hướng đi mới, luôn sử dụng thước tỷ lệ lớn nhất có thể sao cho các đặc trưng của hải đồ có thể được nhận dạng và đánh giá rủi ro trực tiếp;
• Đảm bảo kế hoạch hành trình phải xem xét đầy đủ dịch chuyển ngang (XTE) của tàu để điều tiết bất cứ lệch hướng nào nhằm tránh đâm va và ảnh hưởng của dòng chảy khi hành trình;
• Đảm bảo nhập ‘đường đẳng sâu an toàn’ và ‘đường đẳng sâu sâu’ theo tính toán phù hợp và cài đặt chuông báo động;
• Sau khi đường đi đã được xác lập, kiểm tra cuốn chiếu toàn bộ kế hoạch hành trình từ cầu cảng đến cầu cảng trên toàn bộ đường đi theo tỷ lệ 1:1 bằng tay;
• Nếu kế hoạch hành trình gắn liền với hải đồ giấy thì phải kiểm tra chéo các khoảng cách trên hải đồ giấy và kế hoạch hành trình điện tử để đảm bảo sự thống nhất;
• Kiểm tra các thông tin về thủy triều đã được cập nhật và hiệu chỉnh;
• Kiểm tra ETA đã được cập nhật;
• Kiểm tra chi tiết mớn nước đã được nhập chính xác;
• Đã xem xét sụt lái (Squat) của tàu;
2) KẺ ĐƯỜNG ĐI (planning)
Để kẻ đường đi trên ENC, bạn sử dụng công cụ “nhấp và thả” (click-and-drop), trước hết đặt con trỏ tại điểm xuất phát (cảng xuất phát), nhấn, rê con trỏ thả tại điểm đến cuối cùng (cảng đến). Sau khi có một đường nối liền hai điểm đi và đến, bạn lần lượt rê con trỏ đến các điểm hẹn (WP) mà bạn xác định, đặt tên điểm hẹn, chặng đường (leg), thực hiện các tính toán, ghi chép kinh vĩ độ điểm hẹn, tốc độ, hướng đi, dịch chuyển ngang XTE, khoảng cách, giờ xuất phát, giờ đến các điểm hẹn …. Mỗi kiểu ECDIS đều có các quy trình hướng dẫn chi tiết cho công việc này.
3) CÁC GHI CHÚ TRÊN KẾ HOẠCH HẢI TRÌNH
Một kế hoạch hành trình chi tiết phải bao gồm các ghi chú cụ thể trên hải đồ tương ứng cả trên hải đồ giấy hoặc hải đồ điện tử theo mẫu Kế hoạch hải trình của công ty cung cấp cho cả đội tàu trong Sổ tay hệ thống quản lý an toàn SMM. Tối thiểu kế hoạch hành trình phải bao gồm các chi tiết được ghi chú trên hải đồ như sau:
• Đường đi kế hoạch cùng với hướng đi thật, khoảng cách đến mỗi điểm hẹn được kẽ trên hải đồ theo thước tỷ lệ thích hợp, các điểm hẹn phải được nhập vào hệ thống và có cách kiểm tra thích hợp, (có thể kiểm tra bởi một người khác).
• Tốc độ an toàn cho mỗi chặng (leg) hành trình cần cân nhắc đến các chướng ngại hàng hải, đặc tính điều động và mớn nước của tàu liên quan đến độ sâu bao gồm sụt lái, hiệu ứng nghiêng khi quay trở và mật độ tàu thuyền, nếu áp dụng;
• Dự kiến thời gian đến mỗi điểm hẹn;
• Bán kính quay trở cho mỗi lần chuyển hướng, nếu áp dụng;
• Vị trí bẻ lái, nếu áp dụng;
• Các khu vực cần phải tránh do hạn chế bởi quy định địa phương, VTS, vùng nước hoa tiêu, khu vực neo tàu, dịch vụ cứu hộ, hoặc hạn chế bởi độ sâu, hoặc các mối nguy khu vực …;
• Khu vực mật độ tàu đông đúc, khu vực có phà, tàu cao tốc qua lại;
• Khu vực được cân nhắc tăng cường ‘buồng máy sẵn sàng’;
• Các dấu hiệu hàng hải được sử dụng khi hàng hải bằng mắt thường gần các điểm hẹn phải chuyển hướng;
• Phương pháp và tần suất xác định vị trí bao gồm phương pháp chính yếu và phương pháp thứ cấp;
• Kế hoạch bất ngờ trong tình huống khẩn cấp …
Cuối cùng copy một bản sao dự phòng trên một đĩa riêng, có thể trên USB.
Hình dưới đây mô tả kế hoạch hành trình đi qua Eo Dover từ phía bắc xuống phiá nam gồm nhiều điểm hẹn của một tàu dầu.
4) TRAO ĐỔI THÔNG TIN CHO CÁC SĨ QUAN TRỰC CA
Sau khi kế hoạch hành trình đã được chuẩn bị và được thuyền trưởng duyệt, phải thông báo bằng cách thuyết trình và trao đổi cho tất cả sĩ quan hàng hải. Việc trao đổi kế hoạch hành trình là nhằm mục đích để cho tất cả các sĩ quan hàng hải có sự chuẩn bị thích đáng cho hành trình dự định, nắm vững các thông tin trên thiết bị cũng như các quy trình dự phòng có thể áp dụng.
5) THỰC HIỆN VÀ GIÁM SÁT HÀNH TRÌNH (Execution and monitoring):
ECDIS cung cấp nhiều chức năng và quy trình thực hiện và giám sát hành trình. Cần lưu ý như sau:
• Bắt đầu chuyến đi cũng như ở tất cả các ca trực, sĩ quan trực ca phải luôn luôn xem xét kế hoạch hành trình và xác nhận các chức năng, báo động, chỉ báo áp dụng trên ECDIS đã được cài đặt thích hợp. Đảm bảo sĩ quan hàng hải phải đọc, hiểu các quy trình và ký xác nhận;
• Đối với tàu mang hải đồ giấy đồng thời với ECDIS, cần phải cân nhắc vai trò của ECDIS và hải đồ giấy. Nếu sử dụng ECDIS cho hàng hải thời gian thực thì các yêu cầu quy định đối với việc giám sát tiến triển của hành trình và xác định vị trí tàu cần được cân nhắc như sau:
ü Có phải các vị trí được đánh dấu trên hải đồ giấy chỉ đơn thuần vì mục đích ghi chép;
ü Đang áp dụng các bước như thế nào để đảm bảo rằng đường đi dự định được vẽ trên hải đồ giấy là tương ứng với thông tin trên ECDIS.
ü Công ty có các quy trình đặt ở trên buồng lái được soạn thảo cho việc sử dụng ECDIS và những ai liên quan đến hàng hải có quen thuộc với các điều quan trọng trong đó hay không.
• Cho ENC hoạt động với thước tỷ lệ tốt nhất có thể để đảm bảo các thông tin thiết yếu không bị loại bỏ bởi bộ lọc tự động (auto-filtered), không hiển thị lên màn hình;
• Tránh sử dụng thể thức hiển thị nền (display base), bởi vì thể thức này chỉ hiển thị khối lượng tối thiểu các nét đặc trưng và thông tin;
• Nên sử dụng thể thức hiển thị đầy đủ (full display) nhưng có thể lựa chọn trước các lớp thông tin để tránh nhiễu hiển thị bởi quá nhiều thông tin;
• Bộ lọc tự động (Auto - Filter) hoặc còn gọi là SCAMIN có thể ảnh hưởng đến hiển thị trên màn hình bởi vì nó có xu hướng loại bỏ thông tin khỏi màn hình nếu hải đồ không được sử dụng đúng với tỷ lệ tối ưu. Người sử dụng phải biết cách chọn thước tỷ lệ hải đồ tối ưu để tránh bộ lọc tự động loại bỏ các đặc trưng cần thiết khi sử dụng ENC.
• Đảm bảo thông tin vị trí mà thiết bị GPS cung cấp liên tục cho ECDIS phải được cập nhật lượng chuyển dịch của dữ liệu hải đồ tương ứng khi dữ liệu mốc quy chiếu sử dụng cho hải đồ raster khác với WGS (84). Nếu không thực hiện việc cập nhật này thì vị trí tàu không chính xác.
• Không nên chỉ dựa vào xác định vị trí bằng GPS trong khi sẵn có thiết bị xác định vị trí khác. GPS thường hay phát sinh các sai số khác nhau.
• Khi sử dụng ECDIS không được bỏ qua hoặc thay thế các cách xác định vị trí theo phương pháp truyền thống bao gồm (nhưng không giới hạn) các cách sau đây:
ü Hướng ngắm mục tiêu bằng mắt thường;
ü Khoảng cách và hướng ngắm mục tiêu, sử dụng dấu cự ly biến đổi (VRM) và đường hướng ngắm điện tử (EBL);
ü Dùng chập tiêu và khoảng cách an toàn;
ü Dịch chuyển hướng ngắm;
ü Đường vị trí đẳng sâu;
ü Góc ngang của sextant;
ü Vị trí thiên văn.
II. CÁC LƯU Ý QUAN TRỌNG KHI LẬP KẾ HOẠCH HẢI TRÌNH
Một kế hoạch hành trình hiệu quả lập trên hải đồ điện tử (cũng giống như trên hải đồ giấy) thực chất là một quá trình kẻ đường đi an toàn nhất trên hải đồ gắn liền với việc xác định ‘đường đẳng sâu an toàn’ (tương tự đường biên an toàn trên hải đồ giấy) thiết lập các cảnh báo và báo động.
Mặc dù việc lập kế hoạch hành trình trên ECDIS thuận tiện và nhanh chóng hơn so với hải đồ giấy rất nhiều, nhưng có thể phát sinh nhiều sai sót. Các sai sót này rất khác biệt với các sai sót bắt gặp khi thiết kế hành trình trên hải đồ giấy.
Lập kế hoạch và giám sát hành trình trên ECDIS phải thực hiện trên loại ECDIS được phê duyệt, đảm bảo tàu hoạt động trong khu vực bao phủ hải đồ vector ENC do cơ quan thủy văn quốc gia phát hành.
Kế hoạch hành trình chi tiết, tỷ mỷ, dễ hiểu, giảm thiểu những rủi ro hàng hải một cách hiệu quả sẽ giúp cho tàu và sỹ quan hàng hải có thể thực hiện một cách an toàn chuyến đi từ cầu cảng đến cầu cảng. Cần sử dụng chức năng kiểm tra tự động có sẵn trong hệ thống ECDIS để kiểm tra và xác nhận kế hoạch hành trình.
Phải đảm bảo có bản kế hoạch hành trình dự phòng trên thiết bị ECDIS để phòng khi thiết bị hoặc các bộ cảm biến kết nối bị trục trặc.
Một yếu tố cực kỳ quan trọng là tất cả các sĩ quan hàng hải phải hiểu rõ kế hoạch hành trình được chuẩn bị cho chuyến đi dự định bao gồm tất cả các thông tin về trạng thái thiết bị và các quy trình dự phòng./.
T.V.K



Đăng nhận xét

[facebook][blogger]

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.